Thứ Hai, 30/09/2024 20:29 CH
Chợ phiên ngày tết
Chủ Nhật, 22/01/2006 09:35 SA

Gà chưa kịp cất tiếng gáy canh hai, màn đêm còn đen kịt bao trùm tứ phía, vậy mà đây đó ở các vùng quê Phú Yên, tiếng vó ngựa lốc cốc, tiếng xe máy bình bịch, tiếng xe đạp cút kít lẫn trong tiếng cười nói lao xao đã xóa tan không gian tĩnh lặng trên những nẻo đường đổ về chợ Phiên Thứ ở thôn Mỹ Thạnh, xã An Hiệp, huyện Tuy An. Trong ánh đèn nhạt nhòa sau màn sương lạnh, những người nông dân từ khắp nơi mang sản phẩm từ ruộng đồng, vườn tược của địa phương mình đến “góp mặt”. Buổi chợ phiên chỉ tồn tại trong vài giờ ngắn ngủi nhưng rất nhộn nhịp và đầy màu sắc, nhất là trong những ngày giáp Tết này.

 

Hàng bánh xèo ở chợ phiên - Ảnh: Ngọc Dung

Những ngày cuối năm, cả khu chợ huyên náo cả lên. Chưa tới 3 giờ sáng, kẻ mua người bán từ miền núi, miền xuôi, miền biển ở Tuy An tề tựu về đây rất đông. Họ mang theo các mặt hàng nông lâm thổ sản của địa phương mình. Dân An Thạch, An Ninh, An Dân thì mang vô bánh cốm, bánh tráng; dân Phú Điềm, Tân Định (An Hòa) mang ra những quả dưa hấu, mướp đất, đu đủ tươi xanh vừa mới hái từ vườn nhà; dân Nhơn Phú, Phú Thường (An Hòa) chở lên: cá ngừ, cá thu, cá cơm, nước mắm, muối; dân Hòa Đa, Phú Long, Phú Hòa (An Mỹ) thì bộn bề với gánh hàng khô, nông cụ, rau muống, rau cải, ốc bươu và các loại cá đồng; dân Phú Tân (An Cư) mang về chiếu lát; dân Xuân Hòa (An Hải) thì chở đến cá mai, cá đấu, cá dẩu. Còn riêng người dân An Hiệp ở Bãi Ngao thì góp mặt những tôm, cua, sò, hàu; Xóm Gõ bán các thứ nồi trã, vung, ấm, hỏa lò bằng đất sét nung; Mỹ Phú thì bên cạnh “đặc sản” trầu, cau, lá chuối còn có  cam, bưởi, mận, rau cải, bầu bí, mướp, hành; dân Phong Phú tất bật bên gánh hàng xén, bên các loại bánh tráng, bánh xèo, bánh nậm, bánh bèo, bánh đúc, thịt heo và các loại nông cụ như: thúng, rổ, nong, nia, gừng, sàn, trẹt, mủng...

Người bán ở đây đa phần là những nông dân quanh năm suốt tháng cần mẫn bên những luống khoai, giồng sắn. Họ chắt chiu từng trái bầu, quả bí, củ khoai đem ra chợ bán, để mong có đồng ra đồng vô, nhất là trong ba bữa Tết. Vì thế, ai cũng muốn bày hàng hóa của mình trông thật bắt mắt, để có thể níu chân người mua. Mùi nồng nồng, cay cay từ những rổ trầu cau, mùi tươi tươi, ngai ngái từ các bó lá chuối lẫn trong mùi tanh tanh của các loại cá biển, cá đồng, tôm cua, ốc bươu… Tất cả “sản vật” từ những miền quê khác nhau đã làm nên một phiên chợ quê sinh động, đa màu sắc và đầy hương vị.

Một góc chợ phiên thứ - Ảnh: Ngọc Dung

Ai muốn gói bánh chưng thì không thể thiếu lá chuối An Hiệp, gạo nếp An Mỹ, đậu xanh An Lĩnh. Cứ như thế, tất cả đã tạo nên một sự tổng hòa, mà nếu thiếu một sản vật nơi nào đó, thì mọi thứ  bỗng trở nên khập khiễng.

Chợ Phiên Thứ này họp một tháng đến 9 phiên, vào các ngày mùng 2, mùng 5, mùng 8, 12, 15, 18, 22, 25, 28 âm lịch. Vì thế, phần lớn người mua kẻ bán cũng trở nên thân quen. Ở đây không có nhiều lời mời chào ngọt ngào, không có kiểu hét giá ngất trời. Ở đây ta sẽ bắt gặp nụ cười thân thiện, những lời thăm hỏi chân tình, dân dã và tấm lòng hồn hậu, chất phác của ngươì nhà quê.

Đã bao cái Tết trôi qua, bà cụ Phan Thị Khéo, ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp vẫn lặng lẽ ngồi trong một căn lều nhỏ bên lối đi chen chúc người qua lại. Dáng bà gầy nhỏ, lọt thỏm giữa những chồng thúng, mủng, giần, sàng cao ngất. Bà bảo: “Tui già rồi, nhưng cũng muốn buôn bán chút đỉnh cho vui. Ở nhà ngồi một mình cũng buồn”. 82 tuổi, tính ra bà ít hơn “tuổi” của ngôi chợ Phiên Thứ này dễ chừng 40 tuổi. Và cũng chừng ấy năm, bà gánh gồng buôn bán kiếm sống ở đây. Ngôi chợ này gắn bó với bao vui buồn của bà, cũng như nó đã trở thành chứng nhân cho bao nỗi niềm của thiên hạ. Để rồi cứ đến ngày chợ phiên nhóm họp, bà lại sửa soạn gánh hàng từ đêm hôm trước, lại không thôi mong ngóng tiếng vó ngựa gõ nhịp lộc cộc trên đường vọng lại theo những tiếng gà xao xác gáy giục sang canh.           

Thật bất ngờ, tại phiên chợ này tôi gặp chị Trần Thị Thúy Sinh ở tận xã Hòa Định Đông( huyện Phú Hòa). Đi một chặng đường dài gần 40 cây số, chị mang đến những chiếc rế đang bằng dây kim cang, thứ dây mà ba và chồng chị đã lặn lội đi lên núi xa bứt về. Những chiếc rế mà bây giờ chỉ còn ở quê mới dùng, và chắc hẳn những đứa trẻ thị thành không hề biết đến. Chị nói: “Tui nghĩ, mình chịu khó đi xa một chút để bán được nhiều hơn, có được ít tiền để mua vài món đồ trong ba ngày Tết”. Giá một chiếc rế chị Sinh bán được chỉ từ 1.000-1.500 đồng. Chị Sinh vừa cười vừa quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt: “Sáng nay, tui bán được 30 chiếc rồi. Coi vậy mà cũng đỡ ghê!”. 

Gần 10 giờ trưa, phiên chợ dần tan. Mọi người tất tả ngược xuôi ra về. Ai cũng muốn tranh thủ  thời gian để còn lo hoàn tất những công việc cuối năm. Bà cụ Khéo cũng đã lục tục dọn hàng. Cái vóc dáng già nua của bà cụ liêu xiêu bên gánh hàng cao ngất. Bà bảo: “Sang năm, chắc là bà không đi bán hàng ở chợ này nữa, vì thấy trong người yếu rồi”. Bên kia đường, những dòng người tất bật chuẩn bị đón Tết, vậy mà ở đây, có người như bà cụ Khéo, phiên chợ Tết đã sắp trở thành kỷ niệm.

 

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek