Đây là chủ đề của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014 tại Việt Nam được Bộ TN-MT lựa chọn, nhằm nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường.
Ảnh minh họa: N.HÙNG |
Theo kết quả một nghiên cứu gần đây nhất, lượng rác thải còn tiếp tục tăng, ít nhất đến năm 2075. Điều đặc biệt gây lo ngại là thành phần rác thải đang thay đổi, nước càng giàu có thì rác thải càng độc hại. Rác thải là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc đặc biệt ở các đô thị và những địa phương đang đô thị hóa. Một người ở thành phố tạo ra lượng rác thải cao gấp hai đến gấp bốn lần so với người dân ở nông thôn, trong khi đó sự đô thị hóa lại đang diễn ra rất mạnh mẽ. Năm 1900, người dân ở đô thị trên toàn thế giới mỗi ngày thải ra khoảng 300.000 tấn rác. Một trăm năm sau, con số này tăng gấp mười lần; đến năm 2025, con số này sẽ tăng tối thiểu gấp đôi, tức 6 triệu tấn mỗi ngày. Để vận chuyển khối rác thải hàng ngày, cần số xe ô tô chở rác xếp hàng dài khoảng 5.000km. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu xu hướng này không thay đổi thì đến năm 2100, mỗi ngày thế giới lại có thêm 11 triệu tấn rác thải rắn.
Thế giới hiện có khoảng 2.000 cơ sở xử lý rác bằng cách thiêu đốt, trong đó có những cơ sở lớn nhất, mỗi ngày có thể thiêu hủy khoảng 5.000 tấn. Điều này không chỉ tốn kém mà khí thải từ những lò đốt rác này còn ảnh hưởng xấu đến không khí, tro bụi của chúng ảnh hưởng xấu đến đất đai. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, hiện nay tác động của tình trạng rác thải đối với trái đất đã rất lớn. Hạn chế tăng trưởng dân số, cải thiện công tác quản lý nguồn tài nguyên ở các thành phố và tiến bộ công nghệ.
Đối với Việt Nam, rác thải đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cộng với sự lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, rác thải ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khỏe con người.
Theo số liệu thống kê của Bộ TN-MT, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn tại Việt Nam ước tính hơn 15 triệu tấn phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh mỗi năm khoảng 2,6 triệu tấn, chiếm 17%. Trong đó, các chất thải nguy hại bao gồm cả chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy và chất độc hại phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2014 vừa được thông qua sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay. Luật Bảo vệ môi trường đã thấy được những bất cập trong vấn đề môi trường hiện nay. Vì vậy, một trong những điều sửa đổi trong bộ luật này là đã phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ TN-MT, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT và chính quyền địa phương ở các tỉnh, xã, đặc biệt là của người dân. Trong đó, luật sửa đổi đã đưa ra những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác thải nguồn, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây sẽ là một trong những hướng đi mới để giải quyết vấn đề về rác.
PHƯƠNG MINH (tổng hợp)