Quá nửa đời người nhưng mỗi khi nhớ mẹ và liên tưởng đến sự nhọc nhằn của đời mẹ đã chắt chiu, nuôi nấng các con nên người, tôi cảm thấy công lao của mẹ là cả một kỳ tích không sao kể hết.
Người đời có câu nói: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” để khẳng định vai trò những “trụ cột” của gia đình. Bếp là nơi bắt đầu giờ lao động đầu tiên và cái chậu giặt quần áo là giờ lao động cuối cùng trong ngày của mẹ. Những việc không tên, nhưng vai trò của mẹ thật đặc biệt để giữ thế cân bằng của gia đình. Ai cũng cảm nhận “quạnh nhà” thì sẽ có cái buồn hiu hiu như gió thổi nhưng thật bất hạnh cho những ai phải sống trong cảnh nhà cứ thường xuyên “quạnh bếp”. Mỗi khi nhớ mẹ, tôi lại nhớ đến cái bếp, nơi mà anh em tôi thường quấn quýt bên mẹ, giúp mẹ lặt rau, chụm lửa, chung tay lo bữa cơm gia đình. Nhớ nhất là những chiều mùa đông, khi lùa bò về chuồng, nhìn thấy những đụn khói la đà bay lên trên chái bếp là biết mẹ đang ở nhà. Lòng chợt ấm lại, dù đang se lạnh trong giá rét chiều đông.
Vào thập niên 1960, để có cái ăn, ba mẹ tôi phải nhận làm ruộng rẽ ăn chia theo kiểu “tứ lục” (chủ 4 phần, làm thuê 6 phần). Thời ấy, hạt gạo làm ra độn thêm khoai, sắn nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi năm bảy tháng là cùng. Mẹ phải làm việc quần quật, không từ việc gì. Mùa làm đồng thì mẹ tất bật với làm thuê, cắt mướn. Khi sao cày treo trên đỉnh núi, công việc đồng áng tạm gác, mẹ lại mò cua bắt ốc bờ sông, vũng suối để có con cá, lá rau cho những bữa cơm gia đình. Để có tiền mua mắm muối, đêm về mẹ phải thức tới nửa đêm để đan ky, bồ bỏ chợ. Công việc cứ lặp đi lặp lại, quanh năm lam lũ chăm lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình, mẹ vẫn chịu đựng không một lời than thở. Cực nhất là giai đoạn dồn dân lập ấp, mẹ là người khổ sở đủ điều. Là dân vùng tạm chiếm, tản cư nên chỗ ở gia đình cũng rày đây mai đó. Chính quyền chế độ cũ dồn dân vào ấp Tân Sinh. Vào ấp chiến lược được năm bữa nửa tháng, chính quyền cách mạng lại đưa dân trở về làng cũ. Tài sản của cả gia đình chỉ có đôi nừng dồn trên vai mẹ. Mỗi bận chạy giặc, đôi nừng một đầu là năm bảy cân gạo, một đầu là đứa em 3 tuổi, vai mẹ trèo trẹo gánh gồng xoay vòng trong đạn bom khói lửa. Làng lúc bấy giờ, ruộng đồng hoang hóa, nạn đói dày vò cơ cực đến nỗi sắn, bắp cũng chẳng có mà ăn. Sự sống dân làng chỉ biết nhờ vào rau rừng củ núi. Những đứa em của tôi lần lượt ra đời, sống được từ những miếng cơm sú mẹ nhai với những lát dừa già. Đói miếng ăn, kiếm được vài trái bắp khô, mẹ lảy hạt bỏ vào trã rang, cho vào cối giã nhỏ, lấy cái dừng rây ra, bột cám thì làm lớ dành cho ông bà; hạt búp trên sàng thì dành cho lũ trẻ chắc răng nhai. Vượt qua thời kỳ gian khó, mẹ thường an ủi, rồi gia đình mình sẽ có lúc “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”. Mẹ thường nhắc nhở con cái trong nhà: Làm lụng mẹ không ngại khó sợ khổ, cốt yếu chỉ mong các con nên người.
Tôi chứng kiến và thấm thía sự chật vật của gia đình một thời gian khó, trong đó vai trò người mẹ đã đảm đương để lo cho anh em chúng tôi có được cuộc sống như hôm nay. Tôi đã học được từ mẹ, để gia đình thực sự trở thành tổ ấm vững bền thì không chỉ người phụ nữ, mà mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cha, người chồng trong gia đình cần phải biết tôn trọng, thương yêu, thật sự quan tâm chia sẻ, dựng xây, vun đắp tình yêu thương. Theo thời gian, những chuẩn mực của người phụ nữ dẫu có thay đổi thế nào chăng nữa, thì mẹ vẫn là người “thắp lửa” và “giữ lửa” cho mái ấm trong mỗi gia đình.
MẠNH MINH TÂM