Nhiều năm qua, thôn Phú Liên, xã An Phú, TP Tuy Hòa thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa lũ vì đường qua suối Đá Bàn vẫn chưa có cầu. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nơi đây.
Đường qua suối Đá Bàn thuộc thôn Phú Liên, xã An Phú. Đây là tuyến đường chính nối xã An Phú với xã An Thọ, huyện Tuy An. Theo nhiều người dân ở thôn Phú Liên, tuyến đường này có rất nhiều phương tiện qua lại để chuyên chở nông sản như sắn, mía, hoa màu của bà con đi các nơi. Tuyến đường này đã được bê tông hóa. Tuy nhiên, cầu qua suối Đá Bàn vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên tuyến đường gần như không thể phát huy hiệu quả vào mùa mưa lũ. Những khi trời nắng, suối cạn nước, người dân mới có thể đi lại qua lòng suối. Anh Phạm Văn Lộc, một người dân sống gần suối Đá Bàn, cho biết: “Vào mùa nắng, bà con có thể đi tạm qua đoạn đường toàn đất đá, gồ ghề này. Sợ nhất là mỗi khi trời mưa, chỉ cần mưa khoảng 1 đến 2 giờ là lòng suối ngập tràn nước và chảy xiết. Mưa càng lớn, lượng nước chảy về càng nhiều nên các phương tiện không thể qua lại được. Nông sản của bà con vì thế mà bị thiệt hại không ít”.
Thông thường, mỗi khi vào mùa mưa, tuyến đường qua suối Đá Bàn hoàn toàn bị chia cắt vì suối có thể ngập nước suốt vài tháng. Đa số nông sản của bà con phải chuyển qua suối bằng cách cột vào dây, cho trôi qua lòng suối rồi kéo qua bên kia bờ. Nếu không vận chuyển bằng cách này được, bà con đành bỏ nông sản lại ngoài ruộng. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, cuộc sống của bà con ở đây cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chị Huỳnh Thị Bạch Tuyết, người dân thôn Phú Liên, cho biết: “Vào mùa mưa, chẳng ai dám qua suối vì nước chảy dữ lắm. Ngay từ đầu mùa mưa, bà con nơi đây phải trữ sẵn thức ăn cho cả mùa mưa. Học sinh không thể đi qua suối nên chúng tôi phải gửi con em ở nhà người quen suốt mùa mưa để các cháu đi học. Khổ nhất là khi có người bị bệnh hay trở dạ sinh con, chẳng biết di chuyển bằng cách nào. Thường thì họ phải nằm trên cán rồi khiêng qua suối. Năm ngoái, em gái tôi tổ chức cưới vào mùa mưa, họ hàng hai bên phải thuê người khiêng qua suối. Thật khổ hết sức! Mong sao Nhà nước sớm xây dựng cầu bắc qua suối để dân được nhờ”.
Theo ông Lê Công Chánh, Trưởng thôn Phú Liên, xã An Phú, thôn này có 178 hộ dân và đa số sống bằng nghề trồng hoa màu. Vào mùa mưa, 10 hộ dân ở khu vực phía trên của suối Đá Bàn bị chia cắt hoàn toàn, trẻ con không thể tới trường được. Ở khu vực này có khoảng 12ha chuyên trồng các loại khổ qua, đậu, rau… cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi khi nước suối lớn, người dân đi lại rất nguy hiểm, đã có một số trường hợp bị nước cuốn khi lội qua suối. May mà có người phát hiện nên cứu kịp thời. Trong các cuộc họp cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để được đầu tư cầu bắc qua suối Đá Bàn, hoàn chỉnh tuyến đường. Vừa qua cũng đã có đoàn kiểm tra xuống xem xét, đo đạc thực địa và hứa sẽ sớm xây dựng trong thời gian tới. Mong rằng cầu sẽ sớm được xây để bà con đi lại thuận tiện. Ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết thành phố đã kiến nghị tỉnh về việc xây dựng cầu bắc qua suối Đá Bàn và đang chờ chủ trương của tỉnh.
HỒ NHƯ