Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ tăng cường 1 phó chủ tịch UBND xã cho các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nơi chưa bố trí đủ 2 phó chủ tịch UBND xã để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
UBND xã được tăng cường phó chủ tịch sẽ có 5 thành viên gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 2 ủy viên.
Theo đề xuất này, phó chủ tịch UBND xã được tăng cường thuộc biên chế nhà nước nhưng không nằm trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Về nguồn cán bộ tăng cường, Bộ Nội vụ cho biết, nguồn được bố trí vào chức danh phó chủ tịch UBND xã được tuyển chọn từ trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tình nguyện về làm việc tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ít nhất 5 năm (60 tháng).
Theo Bộ Nội vụ, chính sách áp dụng đối với trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã nêu trên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch, ủy viên UBND xã được tăng cường thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử cán bộ.
Bộ Nội vụ sẽ thẩm định đề án Tạo nguồn cán bộ từ trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã đối với các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các tỉnh trước khi địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, tổng hợp số lượng xã được tăng cường trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND và đưa vào danh sách triển khai dự án 600 phó chủ tịch UBND xã.
(Chinhphu)