Mùa mưa là thời điểm các loại nấm mọc tự nhiên phát triển. Nhiều người dân, nhất là ở các huyện miền núi, vẫn thường hái nấm ở trong rừng, rẫy về nấu ăn. Tuy nhiên, do nhiều người không phân biệt được giữa nấm độc và không độc nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc, dẫn đến tử vong.
Theo các nhà nghiên cứu, những loại nấm có màu sắc sặc sỡ, mùi thơm hấp dẫn, khi cắt ra vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa… thường có chứa độc tố rất cao. Ngộ độc nấm đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên do có nhiều loại nấm độc nhìn bề ngoài rất giống nấm ăn thường ngày, người dân không phân biệt được nấm nào là nấm ăn được và nấm nào là nấm độc nên nhiều trường hợp ngộ độc nấm đã xảy ra. Điển hình như trường hợp 2 người dân ở huyện Sông Hinh phải đi cấp cứu vì ăn phải nấm độc vào ngày 28/8 vừa qua.
Theo Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh, khoảng 9 giờ ngày 28/8, gia đình ông Kso Cần ở buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây tiếp 2 khách đến chơi. Người nhà ông Kso Cần đi hái nấm hoang mọc gần nhà để nấu canh đãi khách. Bữa cơm trưa có 4 người ăn, sau khi ăn, đến khoảng 10 giờ 45 cùng ngày thì 2 người bị nôn, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, khó thở… nghi do ăn canh nấm. Đến 11 giờ, 2 người này được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa. Được điều trị kịp thời, cả 2 bệnh nhân nói trên qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), đây là vụ ngộ độc do ăn canh nấm có độc tố tự nhiên của nấm độc. Để khỏi mắc phải trường hợp tương tự nêu trên, Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố nên tăng cường tuyên truyền trong nhân dân không sử dụng nấm hoang và nấm không rõ nguồn gốc để làm thức ăn.
Nhằm chấn chỉnh việc sử dụng thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn, mới đây, Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng NN-PTNT, phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sử dụng nấm hoang làm thức ăn. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái nấm hoang hoặc mua nấm không rõ nguồn gốc để làm thực phẩm. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến thực phẩm như buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, khó thở…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Chi cục Bảo vệ thực vật cần phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, phòng NN-PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng hóa chất, kháng sinh theo quy định hiện hành của Bộ NN-PTNT đến các cơ sở sản xuất nấm nhằm chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình sản xuất nấm...
ANH NGỌC