Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) đang là vấn đề quan tâm hàng đầu trong công tác DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuật ngữ VTN được dùng để chỉ nhóm người từ 10 đến 19 tuổi, còn thanh niên là nhóm người tuổi từ 15 đến 24. Người ta thường gộp nhóm VTN/TN làm một vì có đặc điểm tâm, sinh lý, những nhu cầu gần giống nhau.
VTN là thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Ở lứa tuổi này có một giai đoạn quan trọng diễn ra đối với cuộc đời mỗi người, đó là giai đoạn dậy thì. Người ở tuổi dậy thì có khả năng sinh sản nhưng do chưa ổn định về mặt tâm, sinh lý nên chưa thể thực hiện tròn vai làm cha làm mẹ. VTN là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và phức tạp nhất, đặc trưng bởi sự phát triển bột phát về thể chất, sự biến đổi tình cảm và các quan hệ xã hội cũng như rối nhiễu tâm lý nhiều hơn so với nhóm tuổi khác. VTN thường cố gắng khẳng định mình với hành vi bắt chước người lớn, dễ tự ái và dễ bị kích động. Nhân cách giới cũng được phát triển trong giai đoạn này; xuất hiện tình yêu và thường chưa phân biệt giữa tình yêu và tình bạn. VTN thích lập luận, suy diễn, nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản. Vì vậy, người lớn phải có cách nhìn khách quan, đúng đắn về lứa tuổi này để hướng sự phát triển của VTN được tốt hơn, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Đây là thời kỳ tràn đầy hứa hẹn và hy vọng nhất của cuộc đời. Nó có thể là bệ phóng sinh ra những người trẻ có năng lực, đầy tự tin nếu được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Nhưng đây cũng có thể là thời kỳ dễ mắc sai lầm, mọi hứa hẹn và khả năng của họ bị đánh mất nếu sai lệch về ý thức, hành vi. Họ đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp đầy tiềm năng nhưng cũng rất mỏng manh. Vì vậy họ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, được sống trong một môi trường an toàn và thuận lợi để phát triển và trưởng thành.
Nếu không được hướng dẫn, chăm sóc về SKSS đúng đắn thì trẻ VTN dễ dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn và nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) do quan hệ tình dục không được hướng dẫn hay kiểm soát. Sự hiểu biết về sinh lý thụ thai và các biện pháp tránh thai chưa đầy đủ, thường có những cuộc tình “ngẫu hứng” nên họ không hoặc chưa chủ động phòng tránh các bệnh LTQĐTD cũng như lường trước hậu quả về sau.
Cần nhận thức rõ rằng những vấn đề bức xúc hiện nay về SKSS VTN/TN liên quan đến vấn đề xã hội, đặc biệt là các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, tác động của lối sống đồi trụy, ăn nhậu… Để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu, sự quan tâm của VTN/TN đối với vấn đề chăm sóc SKSS, các ban, ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương các cấp cần có những chính sách, xây dựng các mô hình, sân chơi phù hợp với nguyện vọng của họ. Việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tư vấn về SKSS, giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu và sức khỏe tình dục đến đối tượng VTN là hết sức cần thiết. Đoàn Thanh niên nên thường xuyên tổ chức lồng ghép các buổi sinh hoạt ngoại khóa về việc giáo dục đồng đẳng và tạo môi trường vui chơi giải trí lành mạnh. Qua đó, VTN/TN ý thức được những việc nên làm và điều nên tránh.
Chăm sóc SKSS cho VTN/TN là một vấn đề lớn, phức tạp, tế nhị, không phải chỉ có cán bộ nhân viên ngành Y tế, Dân số mà đòi hỏi sự chung tay của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và cả VTN/TN.
BS VŨ NGỌC DỮNG
Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên