Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, huyện Sơn Hòa đã đẩy mạnh các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng và các gia đình thương binh, liệt sĩ.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA
Từ năm 2012 đến nay, huyện Sơn Hòa đã tìm kiếm, quy tập 4 hài cốt liệt sĩ; có 240 học sinh, sinh viên được hỗ trợ ưu đãi giáo dục. Huyện cũng đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 21 mẹ; xây dựng và sửa chữa 53 nhà tình nghĩa với kinh phí gần 1,7 tỉ đồng; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với số tiền gần 3,4 tỉ đồng… |
Ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Địa phương xác định việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công là từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người có công và góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Do đó, các ngành, đoàn thể trong huyện không chỉ thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công và các gia đình thương binh, liệt sĩ mà còn đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Cụ thể, huyện đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể nên công tác này ngày càng đi vào nề nếp, tạo lòng tin cho các đối tượng người có công và nhân dân.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở huyện Sơn Hòa ngày càng được nhân rộng và có sự tham gia tích cực của Mặt trận và các đoàn thể, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài huyện. Mỗi năm, huyện đều trích kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng xây mới hoặc sửa chữa nhà. Đến nay, các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn huyện Sơn Hòa không còn ở nhà tranh vách đất tạm bợ. Huyện cũng kịp thời thực hiện những điểm mới của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Địa phương còn tập trung thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nâng cấp sửa chữa, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ. Các ban, ngành, đoàn thể liên quan tích cực rà soát, giải quyết các vướng mắc, tồn đọng hồ sơ công nhận người có công nên đến nay không còn hồ sơ tồn đọng chưa giải quyết…
Huyện Sơn Hòa rất chú trọng việc nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chi trả chế độ ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, nhất là những quy định mới ban hành; giải thích có tình có lý những băn khoăn, thắc mắc của đối tượng. Công tác mua và cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của họ được thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe đúng quy định; chế độ điều dưỡng được tổ chức chu đáo, góp phần động viên các đối tượng phấn khởi hơn trong cuộc sống. “Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước và của tỉnh, huyện đã trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng này. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo…”, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa Đoàn Phi Công cho biết thêm.
Cùng với những việc làm trên, huyện cũng đã giải quyết kịp thời những chính sách mới dành cho người có công; đề xuất các cấp giải quyết những khó khăn của gia đình người có công. Các đối tượng đều được nhận đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước. Các xã thực hiện tốt công tác giao đất sản xuất, đảm bảo cho các đối tượng chính sách ở nông thôn có đất sản xuất, tăng nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống; thực hiện ưu đãi cho vay vốn để con em, thân nhân liệt sĩ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…
TIẾP TỤC ƯU ĐÃI ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Bên cạnh kết quả đạt được, trong thực tế huyện vẫn còn những hạn chế và vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước. Theo ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, việc thực hiện một số chính sách đối với người có công ở một số nơi còn hạn chế; rà soát, xét chọn đối tượng người có công để giải quyết chính sách chưa đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện quy định do thiếu cán bộ; một số chính sách chậm hướng dẫn thực hiện; việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tuy huyện rất quan tâm nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn chưa thể tìm kiếm, quy tập; nhiều phần mộ đã quy tập thì chưa xác định được danh tính… Huyện phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ có thông tin; thu thập, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; hoàn thiện cơ sở dự liệu về liệt sĩ còn thiếu thông tin tại nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Mới đây, qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Đặng Thị Kim Chi và các thành viên trong đoàn đánh giá cao việc tổ chức thực hiện của huyện Sơn Hòa trong thời gian qua. Theo bà Đặng Thị Kim Chi, huyện cần quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách người có công. “Việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công là thiết thực góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, xoa dịu nỗi đau vì chiến tranh, góp phần giáo dục thế hệ trẻ”, bà Chi nhấn mạnh.
PHONG NHÃ