Thứ Tư, 27/11/2024 02:55 SA
Khi đàn ông làm hộ lý
Thứ Sáu, 22/08/2014 13:00 CH

Nếu với nữ hộ lý, nhọc nhằn chỉ có một thì với những người đàn ông làm công việc này, khó khăn ấy phải gấp đôi. Vì vậy, để đến với nghề, những nam hộ lý ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên phải vượt qua nhiều mặc cảm. Thế nhưng, khi đã quen với công việc, họ cũng tận tụy hết mình.

 

Anh Nguyễn Văn Tòng chăm sóc các cụ như người thân trong gia đình - Ảnh: T.HÀ

 

GẬP GHỀNH ĐẾN VỚI NGHỀ

 

Hộ lý là một nghề nhiều cực nhọc, nhất là khi trực tiếp chăm sóc những người già yếu, trẻ em tật nguyền hay người bệnh tâm thần. Và trong suy nghĩ của nhiều người, hộ lý phải là nữ. Thế nhưng, vẫn có những người là nam giới đã và đang làm công việc này. Họ cũng chu đáo, ân cần dù vào nghề không thuận lợi như những hộ lý nữ.

 

Anh Đào Thắng Lợi (SN 1983) ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) vào Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên đã hơn 1 năm nay. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, lăn lộn ở thành phố lớn một thời gian, làm qua đủ công việc nhưng vì cuộc sống khó khăn nên Lợi quyết định về quê và xin vào Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên làm hộ lý. Thời gian đầu, anh Lợi thấy rất khó khăn, nhất là khi mọi người chưa đánh giá đúng công việc của một nam hộ lý. Anh Lợi chia sẻ: “Nhiều người nói nặng nói nhẹ về công việc tôi đang làm. Bản thân tôi ban đầu cũng thấy không tự tin lắm, vì công việc không nặng nhọc nhưng khá nhạy cảm, phải thật sự coi những người cần chăm sóc là cha, mẹ, là ông, bà mình thì mới có thể làm được”.

 

Trẻ hơn anh Lợi, Nguyễn Văn Tòng (SN 1987) ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cũng vì khó khăn trong tìm việc làm mà chọn làm hộ lý. Nhưng sau một thời gian gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, anh Tòng không còn ý định tìm việc khác. Tốt nghiệp THPT, Tòng vào bộ đội, được kết nạp vào Đảng. Xuất ngũ, anh đăng ký học ngành Điện ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, sau đó ra trường và lập gia đình. Anh Tòng đã đi xin việc nhiều nơi, thử làm nhiều việc nhưng lương bổng chẳng bao nhiêu, chế độ đãi ngộ không tốt. Lúc này, gia đình vận động anh vào làm tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên. Lúc đầu, Tòng còn chần chừ, nhưng đang lúc cần việc nên anh đồng ý. Tòng tâm sự: “Lúc đầu, nhiều người hỏi tôi làm gì, tôi chẳng dám nói. Sợ người ta nghĩ, đàn ông đàn ang ai lại làm công việc ấy. Cũng có lúc tôi trăn trở về công việc của mình, muốn tìm việc khác phù hợp hơn nhưng dần dần tôi nhận ra công việc của mình có ý nghĩa riêng của nó”.

 

Ông Đinh Viết Hậu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, cho biết: “Trung tâm rất cần có những điều dưỡng nam nhưng số này thường rất ít. Trước đây, vài người từng thử qua nhưng họ không trụ được. Vì vậy, khi nhận nhân viên nam vào, tôi quán triệt tư tưởng rất kỹ”.

 

TẬN TỤY VÀ TRÁCH NHIỆM

 

Hỏi về công việc của các nam hộ lý, ông Đinh Viết Hậu cho hay: “Ở trung tâm này, nam nữ bình đẳng. Vì vậy, đã là hộ lý thì dù là nam hay nữ, công việc đều như nhau”.

 

Một ngày của những người đàn ông làm hộ lý không khác gì các đồng nghiệp nữ, cũng giúp đỡ người bệnh từ việc ăn uống, tắm giặt đến các vấn đề vệ sinh. Ngoài ra, các anh còn thay phiên nhau trực đêm tại trung tâm hay túc trực ở bệnh viện 24/24 giờ khi có cụ nào bị ốm phải đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Hậu cho biết, từ đầu năm đến nay, gần 10 cụ phải vào viện điều trị. Các đợt điều trị thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày. Trung tâm phải cử người luân phiên có mặt để chăm sóc. Đa phần các cụ này đều đã lớn tuổi, mất khả năng tự chăm sóc nên nhân viên trực phải lo từ đầu đến cuối. Không phải nói thì ai cũng biết là người nuôi bệnh phải làm những công việc gì; nếu như không chịu khó, không xem các cụ như người nhà thì không thể làm được.

 

Khi chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, vừa lúc xe chuyển cụ Phương (85 tuổi) từ bệnh viện về trung tâm. Lúc này, anh Tòng cùng người lái xe khiêng cáng đưa cụ về phòng, rồi sắp xếp chỗ nằm, thay tã cho cụ như một người con tận tụy chăm sóc mẹ. Như đã quá quen với việc này nên anh Tòng chẳng tỏ ra ngại ngùng hay lúng túng dù có người lạ, anh tập trung làm việc, động tác thuần thục, gọn gàng sao cho cụ bà thấy thoải mái nhất.

 

Ngoài những công việc thường ngày, những hộ lý nam phải gánh vác thêm những công việc thầm lặng khác. Các anh thay nhau trực đêm; phải can thiệp khi có những người bệnh tâm thần lên cơn đập phá và cũng chính các anh cùng chung tay lo việc khi có cụ nào “trăm tuổi”…

 

Có thể những người đàn ông này đến với nghề không như những gì họ mong muốn, nhưng khi đã quen với việc, họ lại rất gắn bó. Họ coi Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên như nhà mình; coi những cụ ông, cụ bà già yếu như người thân và tận tụy chăm sóc.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek