Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên đã trở thành cầu nối nhân ái, mang yêu thương của cộng đồng đến san sẻ cho những mảnh đời bất hạnh. Bằng nhiều hình thức khác nhau, hội đã nỗ lực giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Sông Hinh - Ảnh: K.LIÊN |
Ông Nguyễn Việt Khanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11.715 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó số, người được hưởng chế độ hàng tháng là 797 người, gồm những người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến. Các đối tượng còn lại là dân thường và con đẻ của dân thường nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội. Hầu hết những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đều gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều trường hợp bệnh tật kéo dài quanh năm...”.
Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, mà còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp… hỗ trợ xây nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm, cấp xe lăn cho các nạn nhân.
Cụ thể trong năm 2013, hội đã vận động được 2 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà tình thương, trị giá 50 triệu đồng/căn; tặng 50 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng/sổ cho các nạn nhân chất độc da cam trong toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Phượng ở khu phố 3 (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), từng là thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhận được sự hỗ trợ để xây mới căn nhà khang trang, vui mừng nói: “Trước đây nhà cửa dột nát, mùa mưa đến gia đình tôi cực khổ dữ lắm. Tôi có bệnh nên trời lạnh là thấy đau nhức cả người. Giờ được hội quan tâm hỗ trợ xây được căn nhà kiên cố, gia đình tôi mừng lắm”.
Bên cạnh đó, từ năm 2005 đến nay, hội còn gây được nguồn quỹ hỗ trợ vốn cho gần 100 nạn nhân còn đủ sức khỏe vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Số vốn này được giao cho các hộ sử dụng trong 3 năm không lấy lãi, sau 3 năm thì hoàn trả cho hội để luân chuyển cho các gia đình nạn nhân khác.
Anh Thân Ngọc Tý (thôn Bình Chính, xã An Dân, huyện Tuy An), người nhận được nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế của hội, chia sẻ: “Nhờ có sự hỗ trợ nguồn vốn của hội, vợ chồng tôi có điều kiện để mở được cửa hàng tạp hóa nhỏ và cửa hàng sửa chữa điện tử. Từ đây điều kiện kinh tế gia đình bớt khó khăn, chúng tôi có điều kiện để nuôi 2 con ăn học”.
Tuy nhiên vấn đề gặp khó khăn trong hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam tại tỉnh là công tác chăm sóc y tế. Ông Nguyễn Việt Khanh cho biết: “Các nạn nhân da cam thường mắc rất nhiều bệnh, nhưng khả năng của tỉnh hội thì có hạn. Mong rằng trong thời gian tới, hội sẽ nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức y tế, bệnh viện trong và ngoài tỉnh trong hoạt động khám, cấp thuốc và điều trị miễn phí cho các đối tượng là nạn nhân da cam”.
Sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng xã hội đã góp phần giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng, để có một tương lai tươi sáng dành cho họ, vẫn cần thêm những tấm lòng, sự sẻ chia của nhiều người…
XUÂN TRIỆU