Kể từ khi tham gia dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” (dự án BMGF-VN), các điểm thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã tại Phú Yên cũng như 27 tỉnh trong cả nước ngày càng thu hút người dân đến sử dụng dịch vụ. Thực tế cho thấy, nhờ những thông tin từ internet, nhiều người dân đã cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
28 tỉnh triển khai dự án BMGF-VN trong bước 1 và bước 2, giai đoạn II gồm: Phú Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Tham gia dự án BMGF-VN trong bước 2, giai đoạn 2, 38 điểm thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã tại Phú Yên đã được trang bị 265 bộ máy tính có kết nối internet. Đến thời điểm này, dự án BMGF-VN đã được triển khai tại 28 tỉnh với 1.299 điểm truy nhập công cộng, phục vụ gần 1 triệu lượt người sử dụng. Theo đánh giá của nhà tư vấn độc lập, dự án BMGF-VN triển khai đạt hiệu quả và tiến độ, với độ bao phủ và diện hưởng lợi rộng khắp từ trung ương đến địa phương.
Ghi nhận tại 28 tỉnh, trong đó có Phú Yên, dự án BMGF-VN đã mang lại những đổi thay tích cực cho các địa phương này. Nhờ chính sách miễn phí truy cập tại các điểm thư viện công cộng, giảm 50% cước truy cập tại các điểm bưu điện văn hóa xã, người dân địa phương, nhất là tại các điểm vùng sâu vùng xa, đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, và thực tế đã có không ít người dân cải thiện được cuộc sống, đồng thời đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Người dân tìm kiếm thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về chăm sóc gia đình đến các thông tin phục vụ học tập, giải trí, tìm kiếm cơ hội việc làm… Số lượt người sử dụng máy tính và internet tại điểm truy nhập công cộng trong 1 ngày tại các địa phương triển khai dự án bước 2 tăng hơn gấp đôi so với bước 1, trong khi thời gian sử dụng của một người một ngày tại điểm cũng tăng gần 30%.
Để đạt được những mục tiêu dài hạn đã đặt ra, dự án BMGF-VN vẫn còn không ít thách thức ở phía trước. Ví dụ như về đối tượng hưởng lợi mà dự án hướng đến. Theo ghi nhận từ hệ thống quan sát, mặc dù người dân đến sử dụng dịch vụ tại các điểm dự án thuộc nhiều đối tượng, thành phần khác nhau, nhưng nhóm đối tượng lớn nhất vẫn là học sinh, sinh viên, cán bộ nhà nước (chiếm tới 84%). Trong khi đó, những nhóm đối tượng vẫn được đánh giá là thiệt thòi, có tiềm năng cải thiện cuộc sống rõ rệt nhờ ứng dụng công nghệ thông tin như nông dân, người buôn bán nhỏ… thì tỉ lệ còn khá khiêm tốn; đối tượng sử dụng là người dân tộc Kinh chiếm 80% trong khi người dân tộc thiểu số chiếm 20%. Vì vậy, mục tiêu của dự án trong thời gian tới là tăng tỉ lệ của nhóm đối tượng này thông qua các hoạt động truyền thông vận động, vai trò hướng dẫn của cán bộ dự án đứng điểm.
THÙY LINH