Thứ Hai, 25/11/2024 14:51 CH
Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6):
Giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình Việt Nam
Thứ Bảy, 28/06/2014 14:17 CH

Hạnh phúc gia đình - Ảnh: L.HẢO

Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam làsự gắn kết nhà - làng - nước, tạo nên sức mạnh xây dựng và giữ vững độc lập dân tộc. Nhà (gia đình) được coi là gốc của nước, nước mất thì nhà tan cho nên gia đình phải là một thiết chế bền vững và phù hợp với sự phát triển của đất nước.

 

Văn hóa gia đình được hình thành trên cơ sở văn hóa của một dân tộc, là thước đo của văn hóa dân tộc. Những tinh hoa văn hóa của dân tộc như lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc ngoại xâm, ý thức độc lập dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh và nhất là những nét đẹp trong phong tục, tập quán của dân tộc đã được các gia đình Việt Nam tiếp thu và phát triển, trở thành tài sản quý báu của dân tộc.

 

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân tốt”. Ngày nay, việc thiết lập các mối quan hệ văn hóa gia đình trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội, dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp. Gia đình no ấm về vật chất và lành mạnh về tinh thần, có nếp sống mới cần được xây dựng; các hủ tục, mê tín, tập quán lạc hậu phải loại bỏ; ăn ở hợp vệ sinh; quan hệ xóm giềng đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

 

Truyền thống gia đình Việt Nam là: Cha mẹ phải hết lòng, hy sinh cho con, nuôi dạy con trưởng thành; con cháu yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; vợ chồng thương yêu, tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; anh, chị, em thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ, đùm bọc và tạo điều kiện cho nhau. Cùng với đó, tôn ti trật tự trong gia đình phải được đảm bảo, vừa làm nền tảng cho hạnh phúc gia đình lâu dài trong cả họ tộc; đồng thời củng cố sự ổn định trong toàn xã hội. Gia đình truyền thống Việt Nam luôn coi trọng vấn đề tình cảm, lương tâm, xem đó là cơ sở cho các vấn đề về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

 

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hàng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành nhằm tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội.

 

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: L.HẢO

 

Gia đình tồn tại được là nhờ tình yêu, hòa nguyện với tình thương và tinh thần trách nhiệm. Mỗi gia đình thực sự hạnh phúc khi các thành viên gắn bó, cảm thông, quyến luyến, ân cần, tôn trọng nhau trong kỷ cương nhất định, làm tròn bổn phận của đạo lý con người.

 

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2014 với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm nay là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” nhằm trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Việc nêu cao những giá trị vô giá của gia đình là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ.

 

Chủ đề trên nhằm khẳng định và tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa vào xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xác lập vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình hiện nay với việc thiết lập các thiết chế văn hóa gia đình, xây dựng củng cố văn hóa cá nhân và văn hóa xã hội, góp phần thực hiện tích cực vào việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Được như vậy là chúng ta góp phần xây dựng Tổ quốc, quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh và lịch sự.

 

HỒ VĂN tiẾN

Giám đốc Sở VH-TT-DL

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek