Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Phú Diễn Ngoài (xã Hòa Đồng, Tây Hòa), (sau đây gọi là nhóm) đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc tư vấn, hòa giải các mâu thuẫn, bạo lực nảy sinh trong gia đình. Đó là sự nỗ lực không ngừng của các thành viên, tích cực, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhóm hiện có 3 thành viên gồm nhóm trưởng Trần Quang Bình, công an viên xã Hòa Đồng; Đỗ Tấn Lộc, Trưởng thôn và Lê Thọ, Ban công tác Mặt trận thôn Phú Diễn Ngoài. Thành lập từ năm 2008, nhóm đã tiếp cận, hòa giải và xử lý hơn 10 vụ mâu thuẫn và bạo lực gia đình trong thôn. Dù mỗi năm, nhóm chỉ xử lý hơn 1 vụ nhưng thực tế mỗi vụ bạo lực gia đình đều rất phức tạp, nhóm phải can thiệp, hòa giải nhiều lần, có khi kéo dài nhiều năm.
Mâu thuẫn gay gắt và bạo lực gia đình là mối đe dọa lớn gây nên rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân. Tình trạng này diễn ra ở một số gia đình ở thôn Phú Diễn Ngoài. Làm thế nào để nhóm có mặt kịp thời khi gia đình nào đó trong thôn xảy ra bạo lực, xô xát? Làm thế nào để vợ chồng, con cái có thể hiểu nhau, thông cảm và xây dựng một cuộc sống đầm ấm… luôn là mục tiêu nhóm hướng tới. Nhóm trưởng Trần Quang Bình kể: Trong thôn có vợ chồng anh T mở quán kinh doanh cà phê nhưng lại không thuê người phục vụ. Vì vậy, vợ anh T phải trực tiếp bưng bê nước uống phục vụ khách. Do có tính ghen, anh T thường đánh đập vợ. Vợ anh T gửi đơn nhờ chính quyền giúp đỡ. Trước tình huống này, các thành viên trong nhóm đã đến nhà phân giải để anh T hiểu công việc bưng bê nước phục vụ khách. Chúng tôi đề nghị vợ chồng anh nên thuê người phục vụ nếu không tin tưởng nhau. Sau nhiều lần giải thích, anh T đã thông cảm cho vợ và hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung trong công việc kinh doanh, không còn cãi vã nữa.
Theo nhóm trưởng Trần Quang Bình, phần lớn mâu thuẫn gay gắt và bạo lực gia đình xuất phát từ những nguyên nhân rất éo le hoặc tế nhị. Các vụ bạo lực gia đình trong thôn thường rơi vào các trường hợp gia đình kinh tế quá khó khăn dẫn đến túng quẫn, vợ chồng xảy ra tranh cãi, đánh đập; quan điểm bất đồng nhưng không ai chịu nhường nhịn ai, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gay gắt; sinh con một bề là gái bị người chồng hoặc gia đình chồng chì chiết; nghi kỵ và ghen tuông… cũng trở thành nguyên nhân gây bạo lực, đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
“Các thành viên trong nhóm đều làm nhiệm vụ kiêm nhiệm. Chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ tốt với bà con trong thôn. Hễ gia đình nào xảy ra xô xát, cãi vã, hàng xóm sẽ gọi ngay cho các thành viên trong nhóm có mặt kịp thời để khuyên nhủ. Nhiều lúc, có người cho rằng chúng tôi là những người “vác tù và hàng tổng”, “chuyện không ai nhờ cũng đến”... Nhưng với trách nhiệm hàn gắn, tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh ở các gia đình, bằng sự chân tình, các thành viên trong nhóm đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Trưởng thôn Đỗ Tấn Lộc bộc bạch.
Thông qua các cuộc họp thôn, nhóm đã phổ biến các tài liệu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy tắc ứng xử, giáo dục đạo lý truyền thống trong gia đình. Đến nay, hầu hết người dân trong thôn đều biết địa chỉ để thông báo khi xảy ra bạo hành. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn nhờ sự can thiệp của nhóm để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: Hòa Đồng là xã điểm thành lập 5 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008. Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Phú Diễn Ngoài là đơn vị tiêu biểu được báo cáo điển hình toàn quốc về mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Với tinh thần chủ động, các thành viên trong nhóm đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, phê phán hành vi bạo lực gia đình, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Năm 2013, Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Phú Diễn Ngoài được Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
DIỆU ANH