Thứ Hai, 30/09/2024 12:24 CH
Cần nhiều điểm tựa cho người tàn tật
Thứ Tư, 18/04/2007 14:00 CH

Đối với người tàn tật (NTT), xã hội không chỉ giúp họ vơi bớt nỗi đau, vượt qua những mặc cảm mà trên hết là giúp họ có công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng.

 

CẦN SỰ TIẾP SỨC CỦA CỘNG ĐỒNG

 

070418-nghe.jpg

Người lao động tàn tật làm việc tại Doanh nghiệp Bình SVC. Ảnh: KC

Ngay từ khi mới chào đời, số phận đã không mỉm cười với chị Ngô Thị Bích Thùy (phường 9 TP.Tuy Hoà): Cánh tay trái không bình thường như bao người. Tốt nghiệp trung cấp tài chính kế toán (Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên), năm 2005, chị nộp đơn vào các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nhưng chỉ có hai đơn vị gọi đến phỏng vấn rồi im hơi lặng tiếng. Cuối cùng, chị tìm đến Sở Lao động - Thương binh Xã hội Phú Yên và được giới thiệu tới doanh nghiệp sản xuất đồ mỹ nghệ Bình SVC. Doanh nghiệp nhận chị vào làm và trả lương mỗi tháng 500.000đồng. Với chị, chừng ấy cũng tạm ổn định cuộc sống. 

 

Không phải người tàn tật nào cũng tìm được việc làm như chị Bích Thùy. Nhiều người, sau những lần xin việc không thành, đành quanh quẩn ở nhà, phụ gia đình trông coi nhà cửa, như chị Lê Thị Ánh Thư (xã Hoà Xuân Đông, huyện Đông Hoà). “Bây giờ kiếm một cái nghề cũng khó, đi xin việc thì chỉ nhận những cái lắc đầu. Số phận không mỉm cười với chúng tôi, nhưng chẳng lẽ chúng tôi không có ích gì cho xã hội?”- Chị Thư bức xúc.

 

Theo qui định của pháp luật về NTT, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu phải nhận một tỉ lệ từ 2-3% NTT vào làm việc hoặc phải đóng một khoản tiền theo qui định vào quỹ giải quyết việc làm cho NTT. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc nhận NTT vào làm việc với nhiều lý do khác nhau, như “công nghệ đòi hỏi người lao động có trình độ tay nghề cao nên không thể tiếp nhận NTT”; “Làm việc theo ca kíp, dây chuyền...nên NTT khó có thể đáp ứng được”! Trái lại, có doanh nghiệp nhận nhiều lao động là NTT vào làm việc thì không được sự trợ giúp của Nhà nước hoặc trợ giúp chưa tương xứng.

 

NTT ĐÃ CÓ ĐIỂM TỰA?

 

Pháp luật về NTT qui định rõ: Chính phủ dành một phần ngân sách để trợ giúp NTT phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NTT; hỗ trợ các doanh nghiệp nhận NTT vào làm việc cao hơn tỉ lệ qui định.

Điểm tựa đầu tiên cho NTT ở Phú Yên là Doanh nghiệp Bình SVC (TP Tuy Hòa), khi UBND tỉnh Phú Yên đồng ý cho doanh nghiệp này xây dựng Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, doanh nghiệp tự bỏ vốn. Ông Phạm Hồng Bình, chủ Doanh nghiệp Bình SVC cho biết: “Chúng tôi muốn chia sẻ phần nào khó khăn của NTT, trong điều kiện có thể của doanh nghiệp, nhằm tạo cơ hội cho họ có công việc làm ổn định. NTT khi được làm đúng nghề sẽ không thua kém người bình thường, họ gắn bó với cơ sở lâu hơn vì không có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Nếu được nhận thì NTT sẽ làm việc rất chăm chỉ để bù lại những khiếm khuyết của mình”.

 

Cả tỉnh chỉ có 2 đơn vị là Doanh nghiệp Bình SVC và Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên tiếp nhận NTT vào làm việc. Trong đó, Doanh nghiệp Bình SVC đã tiếp nhận 50 lao động là NTT và đang tuyển thêm 300 lao động, ưu tiên cho NTT.

 

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 12.000 NTT, chiếm tỉ lệ 1,44% dân số. Ngoài ra, Phú Yên hiện có gần 8.000 người bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Theo tính toán, cứ 100 NTT thì có 58 người ở độ tuổi từ 17-60, 23 người ở độ tuổi trên 60 và 19 người dưới 17 tuổi. Đa số NTT ở độ tuổi lao động, độ tuổi còn khả năng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần đảm bảo cuộc sống.

Công bằng mà nói, dù Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các đơn vị nhận NTT vào làm việc thì các doanh nghiệp vẫn có những khó khăn trong việc tiếp nhận. Những doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, luyện kim hay kinh doanh dịch vụ giải trí...luôn đòi hỏi người lao động có sức khoẻ tốt, ngoại hình dễ nhìn..., NTT khó đáp ứng được yêu cầu của họ. Vì vậy, khi đặt vấn đề cải thiện việc làm cho NTT thì điều cơ bản nhất vẫn là đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng. Ông Vũ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên cho biết: Trong những năm qua, các chính sách đối với NTT đã được tỉnh triển khai thực hiện chu đáo.  NTT đã được trợ giúp trên nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao cho đến phục hồi chức năng, vốn tín dụng, dạy nghề và tạo việc làm... Tuy nhiên, xây dựng một trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho NTT thì không đơn giản. Theo Phó Giám đốc Bình, tuy số lượng NTT trên toàn tỉnh khá đông nhưng họ sống rải rác khắp các huyện, TP nên xây dựng trung tâm là không thích hợp(!?). Vì vậy, mấy năm qua, tỉnh hỗ trợ kinh phí để các huyện, TP dạy nghề ngắn hạn gắn với yêu cầu của địa phương.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek