Nhân dân địa phương biết đến ông Bốn Tường ngoài sự giỏi giang về sản xuất nông nghiệp, còn kính trọng lòng từ thiện của ông.
Ông Bốn Tường đang bốc thuốc nam giúp người bệnh – Ảnh: T.L.KHA
Ông Bốn Tường, tên đầy đủ là Trần Đình Tường, 60 tuổi, ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa.
Ông là một nhà nông có bề dày kinh nghiệm sản xuất trồng trọt và chăn nuôi bò lai gần 15 năm. Hiện nay, ông có hơn 10 ha mía với những giống cao sản như R579 và R570, niên vụ 2006 – 2007, ông thu hoạch được khoảng 700 tấn mía cây. Còn đàn bò của Bốn Tường có hơn 20 con lai sind béo tốt. “Năm 2006, gia đình tôi thu lãi ròng từ cây mía hơn 200 triệu đồng, ngoài ra các loại nông sản cho thu nhập thêm xấp xỉ 30 triệu. Mía tôi trồng bình quân 70 tấn/ha, đặc biệt có 1,5ha mía giống R579 cho năng suất 100 tấn/ha. Có được sản lượng như vậy là nhờ tôi đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật” - Bốn Tường cho biết.
Bộn bề với công việc nhà nông, nhưng Bốn Tường còn dành thời gian vào rừng hái thuốc nam. Bà con ở địa phương cho biết, ông làm nghề thuốc Đông y gia truyền rất “mát tay”. Ông bốc thuốc miễn phí cho những người nghèo bị bệnh đau nhức, tê thấp, sản hậu… Những người ở xa như Củng Sơn, Phú Lâm, Sơn Hà nghe tiếng cũng đến tìm ông. Ông tâm sự: “Mình chỉ mong sao họ hết mang bệnh là mừng lắm rồi, mình cầu phúc chớ không cầu tài”.
Ông Bùi Văn Lạc ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước nói về ông Bốn Tường: “Anh Bốn làm ăn thì khỏi chê và thương người lắm, nhất là những người già cả và những người có hoàn cảnh khó khăn. Ai thiếu mía giống ảnh cũng cho mượn mà không tính lãi, ai thiếu lúa ăn anh cũng đong cho mượn, đến mùa trả lại”. Ở gần nhà ông Bốn Tường có bà Cao Thị Nga già cả neo đơn nên gia đình ông luôn giúp đỡ gạo, thức ăn. Khi cụ Nga đau yếu, ông đến thăm nom, bảo vợ đến chăm sóc, nấu cháo, pha sữa và giặt giũ quần áo cho cụ. Một trường hợp khác là ông Lê Bước. Năm ngoái, ông Bước bị bệnh nặng, phải vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Nhà ông Bước nghèo túng, nếu không có khoản tiền 5 triệu đồng mà Bốn Tường cho mượn, thì ông không thể đi khám bệnh được. Hôm tôi đến, ông Lê Bước tâm sự: “Không nhờ chú Bốn cho mượn tiền, chắc bây giờ tôi đã xanh cỏ. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa trả đủ số tiền mượn nhưng chú Bốn không đòi, bảo chừng nào hết đau bệnh, làm có tiền rồi từ từ trả”.
Bốn Tường bộc bạch: “Tôi đã từng trải qua cơ cực, nghèo túng nên thấu hiểu được hoàn cảnh của những người kém may mắn. Tôi rất vui là được góp phần chia sẻ với họ. Còn chữa bệnh bằng thuốc nam, mình không phải chuyên nghiệp Đông y nên biết được gì thì giúp nấy. Tâm nguyện của tôi là chỉ để làm phúc”.
Ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch xã Sơn Phước, trao đổi với tôi: “Anh Bốn Tường không chỉ là một nông dân giỏi về trồng trọt, chăn nuôi mà anh còn là một công dân tiêu biểu về công tác từ thiện và rất giàu lòng nhân ái. Địa phương chúng tôi biểu dương tinh thần này của anh Bốn Tường”.
TRẦN LÊ KHA