Thứ Ba, 26/11/2024 21:45 CH
Những phụ nữ khiêng cá
Thứ Bảy, 07/06/2014 13:00 CH

Chị em ở cảng cá phường 6 chuyển cá ngừ đại dương từ tàu vào trại thu mua - Ảnh: P.OANH

Tại cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông) và cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) có hơn 300 phụ nữ làm nghề khiêng cá thuê. Trong cuộc mưu sinh tảo tần để kiếm tiền trang trải cuộc sống, các chị đã góp mặt trong hành trình đưa sản phẩm cá ngừ đại dương ra thương trường quốc tế.

 

LÀM NGHỀ

 

7 giờ sáng là thời điểm những người phụ nữ khiêng cá thuê tập trung trên bờ cầu cảng. Để làm nghề, mỗi chị tự “thiết kế” cho mình một bộ đồ bảo hộ thích hợp. Người dùng tấm nhựa hay áo mưa tiện lợi bao quanh mình, người mang áo khoác thật dày, cùng đó là mũ, khăn bịt mặt, bao tay, bao chân trùm kín từ đầu xuống chân như những “ninja”. “Chúng tôi che chắn như vậy cho bớt ám mùi tanh của cá và giữ da bớt bị sạm đen”, một chị giải thích. Khi nắng sáng tràn khắp cảng cá, ngư dân trên những con tàu cập bờ đêm qua bắt đầu mở hầm đá, đưa cá lên. Từng nhóm, những “ninja” ôm cáng khiêng, tất tả đi về phía những con tàu “bạn hàng” đang neo sát bờ cầu cảng.

 

Tàu cá PY 92719 của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp đang cập ở khoảng giữa cảng. Những người đàn ông trên tàu bắt đầu kéo dây ròng rọc nối cần cẩu, đưa từng con cá ngừ lên khỏi hầm. Cùng lúc, chiếc cáng khiêng được chuyển qua tàu. Cần cẩu hạ thấp, đưa con cá ngừ to độ vòng tay người ôm xuống cáng khiêng một cách nhẹ nhàng. Một nhóm phụ nữ nhanh nhẹn áp người vào thành tàu, đỡ chiếc cáng khiêng từ anh em thợ bạn rồi giao qua tay hai chị khiêng chính.

 

Cứ như thế, lần lượt, từng chiếc “băng ca” của những người phụ nữ khiêng cá thuê tuần tự cập vào mạn tàu, chuyển những con cá ngừ đại dương to, chừng 50 đến gần 100kg vào các trại thu mua phía trong, cách nơi con tàu neo đậu khoảng 30m.

 

Khiêng xong số cá trên tàu anh Hiệp, nhóm phụ nữ gọi nhau vào ngồi tránh nắng dưới mái hiên của trại mua cá. Chị Ngô Thị Mỹ Xuân, một người khiêng cá lâu năm chia sẻ: “Sáng nay, tàu anh Hiệp về được 40 con cá. Cứ tính, công khiêng mỗi con được 10.000 đồng, khiêng hết hầm cá trên tàu, cả nhóm có được 400.000 đồng. Số tiền này chia đều cho 20 chị em, mỗi người được 20.000 đồng”. Một chị trung niên nói, khiêng cá xong, chị em lại ngồi nghỉ, chờ đến lúc chủ tàu khác vào cập cầu cảng, mua bán, ngả giá thỏa thuận xong thì tiếp tục khiêng cá.

 

Chị Xuân vui vẻ cho biết, thu nhập từ nghề này vô chừng. Tàu mở hầm đá chừng 40 con trở lên như hôm nay thì cả chủ tàu và chị em đều vui. Trung bình, làm cả ngày, mỗi chị kiếm được từ 80 đến 100.000 đồng. “Hôm nào giá thu mua tăng, chuyến biển “trúng” cá, chủ tàu phấn khởi cho thêm vài trăm ngàn đồng hay có người rộng rãi tặng thêm con cá dạt, tụi tui đem bán, gộp hết để chia, một người cũng gần 200.000 đồng. Nhưng, vào đợt biển đói, ngồi đợi khiêng cá cả ngày mà tiền chia chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng, buồn lắm”, chị Xuân bộc bạch.

 

GÁNH NẶNG MƯU SINH

 

Vốn là một phụ nữ trẻ hiền lành, thêm phần “liễu yếu” nhưng chị Bảo đã có 5 năm bươn bả với nghề khiêng cá thuê ở cảng cá Đông Tác. Chị Bảo tâm sự, ngày trước chồng chị làm thuê cho các tàu đánh bắt xa bờ, chị ở nhà trông nom nhà cửa, chăm lo hai đứa con. Rồi, chuyến đi đánh bắt cá ngừ đại dương định mệnh ấy, chồng chị sơ sẩy đã rơi xuống biển trôi mất tích. Trở thành góa phụ, trong tay không tài sản, cũng chẳng có việc làm, chị bắt đầu ra bến cá, chen chúc, tranh giành, mong kiếm đủ tiền nuôi hai đứa con.

 

Cũng như chị Bảo, chị Liên có chồng đi biển nhưng mất từ 7 năm về trước. Giờ, chị cũng đang vật vã từng ngày với nghề khiêng cá thuê để nuôi hai đứa con gái học cấp 3. “Nhiều lúc định bảo con nghỉ học vì túng thiếu nhưng cháu nó ham học quá, tôi phải cố. Vậy nên, cho dù mưa bão, hễ có chủ tàu mở hầm cân cá là tôi có mặt”, chị Liên nói.

 

Dì hai Phước ở làng biển Đông Tác là người khiêng cá có thâm niên gần 10 năm. Ở tuổi 65, mỗi lần đỡ chiếc cáng khiêng có con cá ngừ đại dương gần cả trăm ký, đôi vai dì như oằn xuống. Mọi người xót xa bởi phận dì cô đơn, không chồng, không con, tuổi già phải bươn chải với nghề nặng nhọc. Vậy mà, với dì, chuyện khiêng cá đã thuần thục. Vào “guồng” rồi là dì chạy băng băng.

 

KHI CÁ LÊN MÁY BAY

 

Những người phụ nữ khiêng cá thuê cho các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương thường dùng cụm từ “cá lên máy bay” để mô phỏng về hành trình được xuất khẩu ra thương trường quốc tế. Cho dù công việc khiêng cá luôn nhọc nhằn và những đồng tiền góp nhặt được cũng thật khiêm tốn, nhưng các chị đã làm bằng nhiệt tâm và trách nhiệm.

 

Gần 6 năm khiêng cá thuê, chị Ngô Thị Mỹ Xuân có khá nhiều kinh nghiệm trong việc khiêng, đỡ cho con cá qua khỏi thành tàu mà không bị rớt. Chị Xuân cho rằng, việc khiêng con cá nặng cả trăm ký trên băng ca rồi chạy vài chục mét trên bờ cảng không hề gì. Điều “sợ” nhất là chuyển dịch băng ca qua thành tàu vào mùa khô cạn. Vừa diễn tả công việc, chị Xuân vừa kể: Mùa bình thường, chị em chúng tôi đứng trên cầu cảng, đón cáng khiêng từ thành tàu chuyển qua tay cho hai người khiêng rất đơn giản. Song, lần đó trúng mùa khô cạn, các tàu về bến đều neo xa bờ. Chị em phải lội qua một bãi cát dài để xuống tới mép nước. Từ dưới mặt đất cách thành tàu cả hai sải tay, chúng tôi rướn người, đón chiếc cáng khiêng được anh em thợ bạn thả xuống. Trong lúc đứng nhón chân và chồm người lên, một chị trong nhóm đã bị nước đẩy nên mất thăng bằng, chao đảo rồi hụt tay. Chiếc cáng lẫn con cá gần trăm ký bị rớt bịch xuống đất. Cả nhóm “điếng ruột” vì nếu con cá bị dập thịt sẽ bị chủ nậu loại thành hàng dạt. “Suốt từ lúc khiêng cá từ tàu vào trại thu mua cá, rồi chờ đến khi chủ nậu dùng que xiên thịt kiểm tra, phân loại phẩm cấp cá, chị em cứ thầm mong cho con cá được lên máy bay. May, cuối cùng cũng trót lọt. Cả đời đâu ai biết đi máy bay bao giờ, vậy mà khi biết con cá được lên máy bay, chúng tôi mừng đến chảy nước mắt”, trong nụ cười hồn hậu, chị Xuân bộc bạch.

 

Với những người phụ nữ khiêng cá thuê tại các bến cảng của TP Tuy Hòa, dù không rong ruổi giữa khơi xa, song họ vẫn rất thông thạo tình hình làm ăn trên biển. Gần 700 con tàu gắn với tên những ông chủ, các thông tin về chuyến biển, ngày nào tàu cập bờ, câu được bao nhiêu cá..., các chị truyền tai nhau rành rọt. Và, khi những con tàu cập bến, trước giờ hầm đá được mở, tất cả chị em của đội khiêng cá thuê đều túc trực đông đủ. “Từ ngày chị em lập ra những đội khiêng cá thuê, chúng tôi cập bờ với tâm trạng nhẹ nhõm bởi đã có sự giúp sức của các chị sau cả tháng trời lênh đênh trên biển”, anh Trần Tá, một chủ tàu bày tỏ.

 

Trước lúc chia tay với những phụ nữ ở bến cá Đông Tác, chúng tôi xúc động khi nghe lời tâm sự của dì hai Phước: “Cá ngừ đại dương đã giúp làng biển này thay da, đổi thịt. Phận đàn bà không đi biển xa nhưng tham gia khiêng cá ngừ là chúng tôi đã góp sức trong hành trình đưa cá ngừ đại dương ra thị trường thế giới”.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thứ Sáu, 06/06/2014 10:32 SA
Niềm vui tuổi già
Thứ Sáu, 06/06/2014 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek