Thứ Tư, 27/11/2024 09:30 SA
Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội:
Phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội
Chủ Nhật, 25/05/2014 08:16 SA

Một cuộc hội thảo - tập huấn về tư vấn, phản biện và giám sát do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Phú Yên - Ảnh: H.H.THẾ

Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo Hiến pháp năm 2013, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

 

Theo quy chế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

 

PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN

 

Mục đích của giám sát là nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Còn công tác phản biện xã hội thì nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

 

Với các mục đích nêu trên, có thể thấy việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội có vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội. Đó là cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ và cũng là sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; là tiền đề để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt hơn chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình; giúp nhân dân có điều kiện góp phần xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo được tính đúng đắn, sát với thực tiễn khi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực thi sao cho hợp lòng dân và khả thi.

 

Như vậy, việc ban hành quy chế là bước tiến mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, theo hướng tạo điều kiện cho nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 

Thực tiễn đời sống chính trị - xã hội thời gian qua cho thấy, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội. Vai trò của Mặt trận thể hiện khá rõ nét trong các cuộc bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp, trong các cuộc vận động do Mặt trận tổ chức… Đặc biệt, trong đợt sinh hoạt chính trị góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Mặt trận đã tập hợp và phản ánh nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng của các tầng lớp nhân dân. Có hơn 50.000 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tham gia gần 100.000 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đó, dân chủ trong sinh hoạt xã hội được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và ngày càng đi vào nền nếp.

 

CÁC GIẢI PHÁP CẦN TRIỂN KHAI

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở nhiều địa phương, cơ sở còn mờ nhạt. Tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND các cấp, tiếng nói của Mặt trận chủ yếu là tập hợp ý kiến phản ánh của cán bộ trong hệ thống Mặt trận các cấp, còn ý kiến và nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở chưa được tập hợp đầy đủ, có ý kiến chưa được nghiên cứu thấu đáo, nhiều vấn đề nêu ra nhưng không có sự theo dõi, đôn đốc của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết.

Những hạn chế, bất cập này chưa phản ánh đúng vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát và phản biện xã hội. Để phát huy tốt vai trò Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, thời gian tới cần đẩy mạnh một số giải pháp sau đây:

 

Một là, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần coi công tác giám sát và phản biện xã hội là một khâu trong quy trình xây dựng đề án, dự án trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Mặt khác, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quản lý và điều hành đất nước theo Hiến pháp và pháp luật, vì vậy trên cơ sở thực hiện quy chế của Bộ Chính trị, từng bước rút kinh nghiệm, tiến tới cần có luật về giám sát và phản biện xã hội. Hàng năm, Mặt trận cần lựa chọn những vấn đề có quan hệ trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, những vấn đề mà các thành viên của Mặt trận và dư luận xã hội quan tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với thực tiễn.

Trong chương trình giảng dạy ở các trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cần phải có các chuyên đề với những nội dung cơ bản về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về công tác Mặt trận tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận về hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Người cán bộ Mặt trận phải nắm chắc các nội dung, quy chế và các văn bản có liên quan về giám sát và phản biện thì mới chỉ đạo Mặt trận các cấp và các đoàn thể thực hiện đúng và kịp thời. Đội ngũ cán bộ được phân công phụ trách công tác này phải là những người có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh và tâm huyết với công tác Mặt trận.

 

Ba là, phải nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát và phản biện xã hội cho nhân dân, vì nhân dân có nhận thức được tầm quan trọng đối với sự điều hành của chính quyền các cấp thì mới tích cực tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nếu không có sự tham gia giám sát của nhân dân, Mặt trận không thể hoàn thành được nhiệm vụ giám sát; không thể làm tốt vai trò là “tai mắt” của nhân dân trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Bốn là, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm ban hành Nghị quyết liên tịch về vai trò của Mặt trận cấp huyện, phường nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

 

Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là bước đột phá của Đảng và Nhà nước ta về cải cách hành chính nhằm bớt các khâu báo cáo, phê duyệt trung gian mang tính hình thức; tinh giản biên chế, tiết kiệm được thời gian hội họp; giúp công tác chỉ đạo điều hành của cấp trên với cấp dưới trở nên thông suốt, linh hoạt hơn; bộ máy Nhà nước gần dân hơn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cũng được tăng lên. Tuy nhiên, việc không tổ chức HĐND cấp huyện, phường đã tạo ra một “khoảng trống về giám sát”. Vì vậy, Chính phủ cần phối hợp với UBTƯMTTQ Việt Nam sớm ban hành Nghị quyết liên tịch về vai trò của Mặt trận Tổ quốc huyện, quận, phường trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, tham gia giám sát hoạt động của ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân.

 

Năm là, phối hợp nhiệm vụ giám sát với phản biện xã hội. Thông qua giám sát, chủ thể phát hiện ra những chính sách, quy định không phù hợp với thực tiễn thì phải có ý kiến phản biện. Ngược lại, phản biện được thực hiện tốt thì chủ trương, chính sách, quy chế đề ra khoa học, thuyết phục, phù hợp hơn với thực tiễn, từ đó việc thực hiện hoạt động giám sát cũng thuận lợi hơn.

 

Sáu là, UBMTTQ cần quy định chế độ thông tin, báo cáo về giám sát và phản biện trong hệ thống của mình. Thường trực MTTQ các cấp cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của MTTQ cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân. Có cơ chế tạo điều kiện khuyến khích và bảo vệ người cung cấp thông tin…

 

Bảy là, củng cố và hoàn thiện hội đồng tư vấn và các ban công tác Mặt trận. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cần lựa chọn thành viên hội đồng thực sự là người có tâm huyết, am hiểu chuyên sâu về từng lĩnh vực, xây dựng đội ngũ cộng tác viên thành một tập thể có đủ năng lực giám sát và phản biện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội; có chế độ khuyến khích thỏa đáng (kể cả tinh thần và vật chất) đối với đội ngũ này. Mỗi hội đồng tư vấn cần đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Thường trực UBMTTQ. Đồng thời, để hoạt động giám sát đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan thì cần củng cố và phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận thôn, buôn, khu phố có đại diện của các cụm dân cư, tổ dân phố. Đây là những người trực tiếp sống với dân, gần dân, lắng nghe được nhiều ý kiến nguyện vọng của dân.

 

Giám sát và phản biện xã hội là quyền của mỗi người dân. Giám sát và phản biện xã hội là lý do tồn tại của Mặt trận, là trách nhiệm của Mặt trận đối với dân, với Đảng. Đảng vừa là thành viên vừa là lãnh đạo của Mặt trận, Đảng cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi trong đời sống xã hội. Chỉ có nhân dân thông qua Mặt trận, thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, đói nghèo có hiệu quả và góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

 

ThS. NGUYỄN TRỌNG CẢNH

(Trường Chính trị Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
2 người Phú Yên được tôn vinh
Thứ Bảy, 24/05/2014 08:44 SA
Người cán bộ hội ham học
Thứ Bảy, 24/05/2014 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek