Ngày còn trẻ, gia đình khó khăn, không có điều kiện học hành, nên đến năm 43 tuổi, chị Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) mới cầm được tấm bằng đại học. Đến năm 47 tuổi, chị tiếp tục học lên cao học để thực hiện ước mơ thời trẻ của mình.
Chị Phạm Thị Mỹ Liên - Ảnh: N.DUNG |
Nhiều lần tiếp xúc với chị, chúng tôi luôn cảm nhận sự tự tin, mạnh mẽ lạc quan, yêu đời toát lên từ người phụ nữ hiện đại này. Chị Liên cười: “Phụ nữ bây giờ phải khác với phụ nữ thời xưa, không nên ở trong khung cửa của gia đình, mà phải bước ra ngoài xã hội để khẳng định vị thế của bản thân. Với mình, sống là không ngừng hướng đến ngày mai, không ngừng phấn đấu rèn luyện bản thân để vượt lên chính mình của ngày hôm qua”.
Ngày hôm qua của chị, đó là những chuỗi ngày hết sức khó khăn. Ngày đó, chị là người con đầu trong một gia đình có 5 chị em. Bởi vậy, chị đành gác lại ước mơ bước chân vào giảng đường đại học để phụ ba mẹ nuôi các em ăn học. Rồi sau này đến tuổi lập gia đình, vướng bận việc nhà, con cái nên mãi đến khi gần 40 tuổi, chị mới có cơ hội thực hiện ước mơ thời trẻ. Chị bảo: “Người có công lớn nhất trong chuyện này là ông xã mình”. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Đáng, công tác ở Công ty Xổ số kiến thiết Phú Yên, người mà theo lời chị là một người chồng, một người cha luôn thấu hiểu, sẻ chia, hết lòng thương yêu vợ con.
Chị Liên ngồi nhớ lại: “Ngày đó, tôi sinh đứa con thứ hai được 18 tháng tuổi, lại là một chủ tiệm may quần áo, vừa dạy học trò, vừa chăm con nhỏ, nếu không có ông xã bên cạnh san sẻ, đỡ đần, tôi không thể nào đi học”. Năm ấy chị đã ở vào tuổi 38 và bắt đầu học chuyên ngành tài chính ngân hàng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên. Ngày ấy, trong lớp có những em trẻ tuổi nói rằng nhìn vào một người lớn tuổi như cô Liên mà vẫn còn ham học, tụi cháu như được tiếp thêm nghị lực học tập. Bây giờ, ngồi nhớ lại những năm tháng đó, chị Liên bảo ngày ấy nếu không chịu khó, nhẫn nại thì chắc chị không thể nào có được tấm bằng đại học. Việc thức đêm 2-3 giờ sáng để may quần áo cho khách là chuyện thường. Bận bịu với công việc rồi con cái, có lúc tưởng như chuyện học của chị bị “đứt gánh giữa đường”.
43 tuổi, cầm được tấm bằng đại học trên tay, chị Liên vui không tả nổi. Cũng vào thời gian đó thị trấn Phú Lâm chia tách phường, chị được chị em cơ sở tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh, đến nay đã qua 2 nhiệm kỳ. Chị tâm sự: “Làm công tác hội càng lâu, mình càng thấy thương phụ nữ, nhất là khi chứng kiến đời sống của chị em địa phương còn nhiều khó khăn”. Bởi thế, hễ có chương trình đào tạo nghề hay các chương trình hỗ trợ vốn là chị tích cực kiến nghị để lãnh đạo địa phương hỗ trợ kịp thời cho chị em cải thiện cuộc sống. “Nếu người phụ nữ không chung tay cùng với người chồng tạo dựng kinh tế, thì tiếng nói của chị em trong gia đình hầu như không có, lại càng không thể nói đến chuyện vợ chồng bình đẳng. Bây giờ, bình đẳng trong gia đình đã khó, bình đẳng ở ngoài xã hội lại là một câu chuyện dài, mà rõ nhất là ở lĩnh vực tham chính”, chị Liên thổ lộ.
Có lẽ vì những trăn trở này mà chị quyết định chọn đề tài “Nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ công chức cấp phường, xã ở TP Tuy Hòa” làm luận văn thạc sĩ của mình. Chị nói, điều vui nhất là việc học đã giúp chị có thêm kiến thức, kỹ năng để đảm trách tốt hơn vai trò của một cán bộ hội. Chị vui vì giúp được nhiều đôi vợ chồng “gương vỡ lại lành” hay nhiều người dân nghèo có được chén cơm lót lòng qua “Hũ gạo tình thương” của hội… Vậy nên, hội viên phụ nữ phường Phú Thạnh luôn dành nhiều sự cảm mến cho người cán bộ hội tận tâm của mình. Chia tay với chúng tôi, chị cười bảo: “Mình vẫn muốn được tiếp tục nghiên cứu học tập, nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình có hạn, giá như có được nguồn hỗ trợ nào đó thì hay biết mấy...”.
Chủ tịch Hội LHPN TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Tường Vy nói về chị Liên: “Chị Liên không chỉ là một cán bộ hội năng động, tận tâm mà còn là tấm gương sáng để chị em học tập, noi theo”.
NGỌC DUNG