Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh về “Chính sách đào tạo sau đại học (SĐH) trong nước và đào tạo SĐH ở nước ngoài; chính sách thu hút, sử dụng trí thức” (NQ 51) đã tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; được sự đồng tình ủng hộ của người dân, nhất là những gia đình có con em học giỏi.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Năm 2012, HĐND tỉnh ban hành NQ 51. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị quyết này sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân được biết, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều xác định đây là nghị quyết quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân, đến việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Người dân đồng tình và phấn khởi trước chủ trương của tỉnh đã có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; con em nhân dân trong tỉnh học giỏi ra trường sẽ được bố trí việc làm phù hợp…
Bà Hồ Ngọc Nam ở huyện Tây Hòa, cho biết: “Từ khi có nghị quyết này, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Chính vì vậy, lần nào tiếp xúc cử tri tôi cũng tìm hiểu thêm các điều kiện, chính sách cụ thể. Tôi luôn động viên các con mình học thật giỏi để khi ra trường không chỉ tìm việc làm dễ dàng mà còn có cơ hội học tập cao hơn hoặc du học ở nước ngoài”.
Mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện NQ 51 tại các địa phương. Theo lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, phần lớn sinh viên được thu hút về các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bước đầu đã phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn ở vị trí đảm nhiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, trẻ hóa đội ngũ công chức, viên chức, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo Sở Nội vụ, từ khi NQ 51 được ban hành, đến nay sở này đã giúp Hội đồng xét tuyển của tỉnh tổ chức 2 đợt họp xét, với 136 hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương xin hưởng chính sách đào tạo SĐH và thu hút, sử dụng trí thức. Kết quả, hội đồng này đã xem xét, thống nhất 47 hồ sơ được hưởng chính sách theo NQ 51. Trong đó, có 30 hồ sơ thuộc diện đào tạo SĐH và 17 hồ sơ thuộc diện thu hút trí thức; 2/30 trường hợp được hỗ trợ kinh phí đào tạo SĐH trong nước, mỗi trường hợp 60 triệu đồng đối với thạc sĩ. Có 17/17 trường hợp được hưởng chính sách thu hút, sử dụng trí thức, trong đó, 13 thạc sĩ, 4 cử nhân và kỹ sư loại giỏi. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng.
HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Theo kết luận của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện NQ 51, trong thời gian qua cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế đòi hỏi các cấp, ngành cần quan tâm, tuyên truyền và tạo điều kiện hơn nữa. Cụ thể, chính sách đào tạo SĐH và thu hút trí thức có trình độ thạc sĩ không quy định loại hình đào tạo ở bậc đại học nên công tác hỗ trợ đào tạo, thu hút, bố trí công tác và cho hưởng chính sách chất lượng không đồng đều, chưa thật sự hiệu quả. Mặt khác, chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi, khá, trung bình là ngang nhau, chưa tạo động lực và thu hút mạnh mẽ đối với các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Cùng với đó, việc quy định tiếp nhận (bắt buộc) và bố trí công tác phù hợp cho dược sĩ chính quy ở các trường đại học y - dược có nhu cầu về công tác tại tỉnh gây khó khăn. Vì thực tế hiện nay số lượng dược sĩ tốt nghiệp đại học (ĐH) công tác trong ngành Y tương đối đủ; việc xây dựng danh mục các trường ĐH có uy tín, chất lượng trong nước không có cơ sở để căn cứ, còn mang tính chủ quan, vì hiện nay Bộ GD-ĐT cũng chưa thể xác định và công bố các trường ĐH có uy tín, chất lượng. Đồng thời, giữa cung và cầu có sự mất cân đối. Một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút các chuyên ngành như: Luật, Hành chính, Báo chí… nhưng lại không nhận được hồ sơ, trong khi đó, một số chuyên ngành như: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Văn hóa, Việt Nam học… hoặc một số bộ môn thuộc ngành sư phạm thì nhu cầu rất ít nhưng hồ sơ lại quá nhiều nên chưa thể bố trí công tác được.
Bên cạnh đó, việc đào tạo SĐH của tỉnh trong thời gian qua cũng chưa chú trọng đến việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực, các ngành địa phương còn thiếu, đang cần, mà chủ yếu tập trung ở ngành quản lý. Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo SĐH chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ, công chức đi học mang tính tự phát, không theo quy hoạch, theo học chuyên ngành đào tạo không phù hợp với ngành học đã được đào tạo ở bậc ĐH hoặc không đúng với vị trí công việc đang đảm nhận…
PHONG NHÃ - THÁI BẢO
“NQ 51 của tỉnh Phú Yên bước đầu đã tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Tuy tình hình kinh tế - xã hội của Phú Yên hiện nay có những khó khăn nhất định, nhưng lãnh đạo tỉnh đã có chính sách quan tâm trọng dụng và đãi ngộ người tài, phù hợp chung với xu thế phát triển kinh tế hiện nay... Mặc dù, kết quả mang lại chưa như mong muốn nhưng nó cũng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn cao, kỹ năng quản lý giỏi, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
(Ông Nguyễn Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ)