- Làm cái gì cũng phải ngó đến hàng xóm láng giềng một chút chớ! Đúng là đồ thiếu văn hóa!
- Mày nói cái gì hả con kia? Nói lại thử coi, tao đánh cho phù mỏ bây giờ!
- Mày giỏi mày đánh đi, đã văn hóa ngắn lại còn mất dạy!
Sau những lời lẽ đốp chát qua lại theo kiểu không ai nhường ai rất “hiếu chiến”, hai bà sồn sồn nhà cặp sát nhà anh bạn tôi suýt lao vào nhau để ăn thua đủ. May mà cả xóm xúm vào can ngăn nên vụ cãi vã trưa hôm ấy mới không biến thành cuộc loạn đả ầm ĩ…
Theo lời anh bạn tôi, lý do dẫn đến sự việc kinh động này cũng rất là “nhỏ như con thỏ”. Lâu nay, giữa hai nhà bà nọ vốn có tình trạng “bằng mặt, không bằng lòng” vì một mâu thuẫn không lớn. Nhưng do giải quyết không triệt để nên tồn tại sự ấm ức thường trực. Hôm đó, nhà bà A giỗ cha chồng. Đến đoạn đốt vàng bạc không biết che chắn thế nào mà để gió thổi tro tàn bay tuốt qua nhà bà B. Bà B ra cự nự thì bà A không những không nhận khuyết điểm mà còn “phản pháo” lại. Thành ra vụ việc bị đẩy đi quá xa, nếu không có sự tham gia hóa giải kịp thời và tạm thời của các hộ cận kề như vừa kể thì e rằng…
Hiện nay, ở nhiều địa bàn dân cư, có thể nói rằng không hiếm những chuyện nho nhỏ mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thậm chí rất “nguy hiểm” như trên. Nói “nguy hiểm” là vì nếu những người trong cuộc do quá giận mất khôn, không làm chủ được bản thân, dẫn đến manh động thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thậm chí dùng dao, kéo, gậy gộc… để xử lý lẫn nhau thì hậu quả sẽ rất kinh khủng. Đó là người bị thương, người chết, người sa vào vòng lao lý, rồi gia đình ly tán, tình làng nghĩa xóm vỡ tan, địa bàn dân cư bất ổn về an ninh trật tự…
Vì sao xảy ra tình trạng này? Có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không nói đến trách nhiệm “chưa toàn diện” của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở cơ sở. Nếu khi mâu thuẫn giữa các hộ mới manh nha, toàn hệ thống chính trị ở khu dân cư phát hiện, tích cực và kiên trì gặp gỡ hai bên, bền bỉ tìm mọi cách giải thích, thuyết phục, hòa giải thì chắc chắn không xảy ra tình trạng “cái sảy nảy cái ung” mà vụ nhà bà A, bà B chỉ là một ví dụ dễ thấy. Lãnh đạo, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, nhiệt tình, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đại sự mà hệ thống chính trị ở cơ sở đã và đang thường xuyên đẩy mạnh lâu nay. Nhưng nếu chỉ chăm chút, chú trọng đến việc lớn mà không chú ý giải quyết triệt để, dứt điểm những chuyện “nhỏ như con thỏ” như vừa kể trên thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.” Mong sao bất cập này cần được chú ý khắc phục hiệu quả để góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt kết quả chắc chắn và bền vững.
SÔNG BA HẠ