Sau khi Phú Yên Điện tử (đăng ngày 14/5) phản ánh, 20 cây xoài cổ tại chùa Đá Trắng (Từ Quang) thuộc xã An Dân (Tuy An) là Cây Di sản Việt Nam đang bị bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Ban Quản lý di tích (Sở TT-VH-DL) đến hiện trường điều tra tình hình sâu bệnh hại, đồng thời tiến hành “chữa bệnh” cho quần thể các cây xoài cổ này.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, quần thể các cây xoài cổ đang bị bệnh rầy bông và muội đen (nấm bồ hóng). Hiện tại, số lượng cây mắc bệnh là 24 cây, trong đó 18 Cây Di sản và 6 cây giống khác trồng sau này. Mật độ rầy cao, trung bình 26 con/lá, ở giai đoạn trưởng thành, chích hút làm khô héo chùm hoa, lá, cành, tạo tiền đề cho bệnh muội đen phát triển theo. Nấm bồ hóng che phủ đen bề mặt lá của các cây xoài và các loại cây khác ở xung quanh làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây. Đây là nguyên nhân làm cây suy kiệt dinh dưỡng. Ngoài ra sâu ăn lá, rệp sáp và rầy mụt đen… gây hại rải rác khắp vườn xoài cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của các cây xoài.
Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy, cây già cỗi, tán lá ít, lá chuyển vàng do thiếu dinh dưỡng. Lớp vỏ thân nứt nẻ, xơ hóa tạo nơi cư trú cho nhiều loại côn trùng. Đa số gốc cây bị lồi rễ do phần gốc không được vun xới bảo vệ.
Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã phun thuốc Chess, Actara, Jetan, Trebon… trộn chung Bordeaux, Carban, COC trừ nấm bệnh muội đen. Đơn vị chức năng cũng đã cắt tỉa những cành hư, bị sâu bệnh và tạo lại bộ tán cây xoài cho phù hợp; tăng cường bón phân cho cây, tưới nước bảo đảm cây đủ ẩm để phát huy tính năng của phân bón. Sau khi chăm sóc cây hồi phục, cần tiến hành xây bồn để bảo vệ gốc và hệ thống rễ cây.
MẠNH HOÀI NAM