Tháng 5 này, trên tuyến ĐT643 từ An Mỹ (Tuy An) ngược lên Sơn Định (Sơn Hòa), nơi có Di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ Bác Hồ và căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến, luôn có nhiều người ở khắp các địa phương trong tỉnh và du khách phương xa đổ về. Họ về đây để dâng hương bái vọng, báo công với Bác và tham quan, tìm hiểu về một di tích cách mạng của tỉnh.
ĐƯỜNG VỀ DI TÍCH
Bây giờ đường lên Sơn Định (ĐT643), về Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ Bác Hồ - Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến đã được thông tuyến. Con đường có chiều dài hơn 40km với tổng mức đầu tư gần 830 tỉ đồng, được xây dựng nhằm tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn 2 huyện Tuy An - Sơn Hòa, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho người dân trong khu vực có tuyến đường đi qua.
4 năm trước đây, con đường này thật sự là một thử thách ngay cả với những người thường xuyên phải đi vì công việc kiếm sống. Còn với những người các nơi về viếng Nhà thờ Bác thì đúng là một hành trình gian khó.
Tháng 5 này, trên cung đường ấy, một con đường bê tông xi măng phẳng phiu, to rộng uốn lượn tít tắp. Với những người dân Sơn Hòa, con đường đã giúp việc đi lại trở nên thuận tiện, rút gần hơn khoảng cách giữa vùng miền núi với đồng bằng, thành thị; cơ hội giao thương, làm ăn cũng dễ dàng hơn. Cụ Nguyễn Mỹ, một người dân xã Sơn Long, năm nay đã ngoài 70 tuổi nói: “Thật không ngờ đến cuối đời mình lại được chứng kiến một sự đổi thay của quê hương. Một con đường trong mơ”.
“ĐỊA CHỈ ĐỎ” CHO DU LỊCH VỀ NGUỒN
Tháng 5 này, từng nhóm người, đoàn xe về dâng hương Nhà thờ Bác. Khu di tích tọa lạc trên ngọn đồi rợp mát bởi khu rừng dẻ cao vút, nơi mà cách đây 45 năm, những chiến sĩ cách mạng Phú Yên đã dừng chân dựng lên ngôi nhà thờ khi hay tin Bác Hồ mất. Ngày 9/9/1969, Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức lễ truy điệu và quyết định xây dựng Nhà thờ Bác Hồ tại đây. Đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, kể: “Bác ra đi đột ngột quá, ai cũng bàng hoàng không dám tin. Một trong những việc làm cấp bách khi đó là dựng nhà thờ Bác. Cán bộ, nhân viên các cơ quan của tỉnh và lực lượng thanh niên xung phong, mỗi người một tay, ai cũng muốn được góp phần làm nên công trình thiêng liêng này. Chỉ trong thời gian ngắn, ngôi nhà lá ba gian được dựng lên, đơn sơ nhưng chứa đựng tấm lòng của những đứa con miền Nam đối với vị cha già của dân tộc”.
Nhà thờ Bác tại xã Sơn Định (Sơn Hòa) từ đó trở thành địa chỉ đỏ, nơi thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Phú Yên cho đến hôm nay và mãi mai sau.
Đến năm 2003, khu Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng lại khang trang, kiên cố trên diện tích 1.500m2 theo thiết kế kiểu nhà truyền thống dân tộc Việt. Quanh khu Nhà thờ Bác Hồ còn có khuôn viên rộng với những cây xanh rợp bóng mát, tạo nên không khí mát mẻ, trong lành. Nhân dân huyện Sơn Hòa cùng đoàn viên thanh niên cả tỉnh đã trồng hàng nghìn cây cảnh, cây ăn quả tạo cảnh quan cho khu di tích. Ngày 19/5/2009, Nhà thờ Bác Hồ được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa rất quan trọng gắn liền với đời sống tinh thần của cán bộ và người dân Phú Yên. Hàng năm vào ngày sinh, ngày Người đi xa hoặc các ngày lễ trọng đại của đất nước, các lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong tỉnh đều trịnh trọng tổ chức lễ báo công dâng Bác. Tại đây, những đồng chí, đồng đội năm xưa được gặp nhau trong các dịp tổ chức dâng hương, tỏ lòng tôn kính, thương nhớ Bác...
Từ ĐT643 đi vào sâu thung núi chừng 2km đường bê tông thẳng tắp. Dưới tán rừng già, khu di tích căn cứ cách mạng tỉnh Phú Yên, gồm: Hội trường Mùa Xuân, cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan UBND cách mạng, nhà Giao tế, nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo, cơ quan UBMTDT Giải phóng, cơ quan Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Trường Đảng, cơ quan Tỉnh đội, Xưởng Quân giới 200, cơ quan Ban an ninh, Bệnh xá Trúc Bạch và Trường Y tế vừa được trùng tu khang trang đẹp đẽ. Những mái nhà tranh được phục dựng nằm dưới những tán cây rừng giúp người tham quan như sống lại một thời kháng chiến cách đây gần nửa thế kỷ.
Ông Nguyễn Thiện Tình, Phó phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, kiêm Trưởng Ban quản lý di tích Nhà thờ Bác Hồ, cho biết: Mỗi năm có hàng nghìn lượt khách đến dâng hương Nhà thờ Bác và tham quan khu di tích. Ngoài các đoàn do các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, gần đây có nhiều đoàn khách du lịch ngoài tỉnh đi theo tour, nhiều nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh cũng chọn đây là địa điểm du lịch hành hương về nguồn. Đặc biệt khi tuyến ĐT643 được làm kiên cố, hoàn thiện, lượng khách đến tham quan còn nhiều hơn.
TRẦN QUỚI