Thiếu hiểu biết về luật pháp là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như đa dạng các mô hình hỗ trợ pháp luật cho chị em.
Trưởng ban Chính sách pháp luật Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết: Để đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với hội viên, phụ nữ một cách thiết thực nhất, hàng năm, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đều lựa chọn những vấn đề liên quan đến đời sống của phụ nữ, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ, chương trình quốc gia Phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xóa đói giảm nghèo... Tuy các luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực, nhưng chưa thực sự đến được với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ. Nhiều ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc tuyên truyền 2 đạo luật này. Vì vậy, các cấp hội đặc biệt chú trọng đến việc làm thế nào để những luật này đi vào cuộc sống. Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho chị em và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng quý, hàng năm. Bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật hay tổ chức các đợt truyền thông về pháp luật, hội còn xây dựng các mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ”… ở 9 huyện, thị, thành phố.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) nói: “Phụ nữ nông thôn chúng tôi ít hiểu biết pháp luật. Nhờ các hoạt động tuyên truyền cũng như các hoạt động trợ giúp pháp lý của hội, chúng tôi mới biết tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại”. Thực tế phụ nữ thường có tâm lý e ngại khi đến các cơ quan pháp luật để trình bày những vướng mắc của bản thân và gia đình. Nhiều người chấp nhận im lặng, chịu đựng đến khi mọi người xung quanh phát hiện và các cơ quan, tổ chức can thiệp, khi đó có thể xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc..
Các CLB “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ”, “Phụ nữ với pháp luật” trợ giúp kịp thời cho phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Đồng thời, chị em được tạo điều kiện để tiếp xúc với các văn bản pháp luật, giải đáp những vướng mắc ở địa phương, từ đó giúp họ nâng cao khả năng tự bảo vệ mình trong gia đình, ngoài xã hội.
Ngoài ra, công tác hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại ở các cấp hội thời gian qua cũng đã góp phần tích cực giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật và ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. 100% tổ hòa giải ở cơ sở đều có cán bộ hội tham gia, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho chị em ở khu dân cư. Với cách làm này, phụ nữ ở cơ sở ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời tích cực vận động chồng con và các thành viên trong gia đình cùng tham gia thực hiện. Chị Công Thị Định, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bạc (Sơn Hòa) nói: “Thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cấp hội, nhìn chung chị em ở địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Riêng xã Suối Bạc với đặc thù của một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phụ nữ chưa đủ tuổi đã kết hôn, chúng tôi chú trọng đến việc giúp chị em hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từng bước xóa bỏ các phong tục lạc hậu góp phần xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
Có thể nói, bằng những việc làm cụ thể trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các cấp Hội LHPN ở Phú Yên đã kịp thời giúp chị em thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
DUYÊN HẢI