Thứ Sáu, 29/11/2024 21:49 CH
Loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ở trẻ em
Thứ Ba, 01/04/2014 09:00 SA

Để loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ở trẻ em, điều cần thiết là huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.

 

tre140401.jpg

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận quà ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: K.CHI

100% số trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi được chăm sóc; 65% trẻ em phát hiện có nguy cơ được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 100% trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội, được giúp đỡ về khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ về giáo dục, được tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, được hưởng các phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác… Đó là những mục tiêu của Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh trong năm 2014 được Sở LĐ-TB-XH triển khai.

 

Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Trong những năm qua, nhất là sau khi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2005, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được giảm, hơn 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc. Từ thực tế tình hình tại các địa phương cho thấy, tai nạn thương tích vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và để lại nhiều hậu quả, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo số liệu điều tra gần đây, tỉ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 17.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; mỗi năm ước tính có gần 1.000 trẻ ra đời bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó có hơn 50% số trẻ thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo. Riêng đối với Phú Yên, số lượng trẻ bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước ngày càng tăng, nhất là vào dịp hè.

 

Chính vì thế, ngoài xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm. Bà Đỗ Thị Hiền (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Hai đứa cháu tôi mồ côi mẹ, cha chúng lại bệnh nặng không làm gì được. Chuyện ăn học của 2 đứa nhỏ phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của địa phương, của xã hội. Mấy năm gần đây, Nhà nước cùng các tổ chức, cá nhân có thăm hỏi, tặng quà cho các cháu, và hỗ trợ tiền xây nhà, nên đời sống đỡ vất vả hơn”. Em Lê Mô Y Lung ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) nói: “Vào mùa hè, bọn em chỉ quanh quẩn chơi trong buôn, có hôm các bạn rủ ra suối tắm nhưng người lớn không cho, sợ bệnh. Mấy năm nay, chúng em được tham gia tập hát nhạc truyền thống vào mỗi dịp hè do các anh chị đoàn viên tổ chức, nên vui lắm”.

 

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, phải huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Các địa phương chú trọng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em, hạn chế các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo lực, bóc lột trẻ em. Đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em. Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua hệ thống các điểm tư vấn cộng đồng, tư vấn trường học. Từ mô hình điểm về tư vấn, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em của huyện Phú Hòa, TX Sông Cầu, tiếp tục duy trì và nhân rộng ra các địa phương khác. Trong đó cần lưu ý các nội dung: Tiếp nhận và thu thập thông tin về các nguy cơ lạm dụng, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; điều tra, xác minh thông tin; đánh giá rủi ro và nhu cầu bảo vệ; xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và chuyển tuyến giữa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Các cấp, các ngành và các đoàn thể cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó đặc biệt lưu ý đến hệ thống cán bộ cơ sở, chuyên trách, cộng tác viên, tư vấn viên, nhóm trẻ nòng cốt. Từ đó, tổ chức các hoạt động cung cấp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em có hiệu quả, như: Bảo đảm sự an toàn cho trẻ em; tư vấn, tham vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, thể chất trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại, trẻ bị bạo lực; loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ dẫn đến trẻ bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek