Thứ Sáu, 29/11/2024 23:35 CH
“Săn” kiến vàng, gian nan vất vả
Thứ Bảy, 29/03/2014 09:36 SA

Huyện miền núi Sơn Hòa từ lâu được nhiều người biết đến với đặc sản bò “một nắng hai sương” chấm với muối ớt kiến vàng. Những năm gần đây, khi đặc sản này “lên ngôi”, nghề “săn” kiến vàng trở thành nguồn thu nhập đáng kể của nhiều phụ nữ ở địa phương này.

 

kien-vang140329.jpg

Cảnh chị em đang đốt tổ kiến vàng - Ảnh: V.THẢO

NGHỀ PHỤ CHO THU NHẬP CHÍNH

 

Với con dao bén vắt bên hông, tay xách xoong nhôm cùng chiếc cà-men cơm, chị Hờ Pen ở xã Krông Pa (Sơn Hòa) đã sẵn sàng cho một ngày vất vả trèo đèo lội suối, vào rừng sâu để lấy tổ kiến vàng. Hờ Pen cho biết: “Từ khi các quán xá, nhà hàng dùng kiến vàng làm muối chấm với đặc sản bò “một nắng hai sương”, nhiều chị em người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm việc làm trong những ngày không lên rẫy”.

 

Theo Hờ Pen, đồ nghề để “săn” kiến vàng rất đơn giản, chỉ cần một cái xoong, một con dao bén hoặc rựa, lưỡi liềm và một thùng quẹt (bật lửa) là có thể hành nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng “săn” được loại côn trùng này. Người muốn đi “săn” kiến vàng phải thật tinh mắt. Khi đến chỗ kiến trú ẩn, chị em trèo lên cây, dùng rựa chặt cành có tổ kiến hoặc dùng một đoạn cây khô gắn lưỡi liềm đưa lên cao để kéo tổ kiến xuống. Công đoạn tiếp theo là nhóm lửa, bắt xoong lên, bỏ tổ vào đốt cho kiến chết rồi sàng lọc, phân loại kiến, nhộng kiến để ra bao riêng. Ngoài việc phải cẩn thận khi trèo cây thì khi sàng sảy, chị em cũng phải nhanh tay và khéo léo để tách trứng và kiến con, tránh trứng bị dập nát. Sau khi tách trứng ra khỏi kiến con thì tiếp tục nhặt lại thật sạch, loại bỏ tạp chất để mang về bán cho các thương lái.

 

Ngày trước, kiến vàng đem ra bìa rừng bán với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg, bây giờở mức từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg nhưng không phải dễdàng kiếm được. “Nếu ngày trước, chúng tôi vào rừng chừng một, hai giờ là có thể kiếm được cả chục tổ kiến vàng thì nay do nhiều người lùng sục nên tổ kiến ngày càng hiếm. Leo rừng, vượt núi, tóe cả máu chân nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ kiếm được vài tổ là cùng. Nghề này thấy đơn giản vậy nhưng vất vả lắm”, Kpă Hờ Hạnh - một người đi cùng trong nhóm của Hờ Pen cho biết. Mí Hạ đang lấy tổ kiến ở gần đó, tiếp lời: “Muốn “săn” được nhiều tổ kiến, giờ chỉ còn cách đi vào rừng sâu. Tuy vất vả nhưng với giá 100.000 đồng/kg kiến vàng như hiện nay, nếu cố gắng thì chúng tôi cũng có một khoản thu nhập kha khá”. Chỉ vào gùi kiến đang mang trên vai, Mí Hạ cho hay, nhờ nghề này mà chị kiếm thêm được ít tiền nuôi 2 đứa con ăn học.

 

NHIỀU VẤT VẢ, HIỂM NGUY

 

Vừa đốt tổ kiến vàng mới lấy được, Hờ Pen vừa chìa cánh tay chi chít vết kiến cắn nói: “Kiến vàng thường làm tổ trên cao nên việc lấy tổ kiến không phải đơn giản. Trèo lên cây sợ nhất là ong chích, gai cào và kiến cắn. Kiến ở rừng cắn thì đau nhức đến mấy ngày. Khi gặp ong vò vẽ mà không may làm vỡ tổ thì phải nhanh chân tháo chạy, nếu không sẽ là mồi của chúng. Chưa kể, khi leo lên cây cao, nếu không khéo léo thì bị té, ngã. Những tai nạn nhẹ gặp phải như cành cây va vào người, đập vào mặt, vào đầu dẫn tới chảy máu, trầy xước thì thường xuyên như... cơm bữa. Riêng những tai nạn như ngã gãy chân, gãy tay hay chấn thương một phần trong cơ thể thi thoảng vẫn xảy ra”.

 

Cho chúng tôi xem những vết ong đốt còn sưng trong lần lấy tổ kiến tuần trước, chị Lê Thị Mầu ở xã Sơn Phước, kể: “Lần đó, chúng tôi lấy tổ kiến vàng thì gặp tổ ong vò vẽ to bằng cái thúng, do không quan sát cẩn thận nên khi trèo lên, làm động cành cây, ong thoát ra tấn công tới tấp. Nhóm tôi đi 4 người, người ít thì bị 1, 2 vết, người nhiều có đến chục vết ong đốt. Riêng tôi bị chích 3 vết, đã dùng thuốc chữa trị mà mặt mũi vẫn sưng to, đau nhức suốt đêm hôm đó. Mấy ngày sau, chỗ bị ong đốt vẫn sưng và còn mưng mủ”.

 

Theo một số chị em có kinh nghiệm, “săn” kiến vàng khá nguy hiểm và cực nhọc nhưng họ vẫn kiên nhẫn theo “nghề”. “Hằng ngày, băng rừng, vượt núi đi tìm tổ kiến vàng đem về bán, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng khi nghĩ đến việc kiếm thêm được ít tiền để trang trải cuộc sống thì ai nấy đều cắn răng mà làm việc”, Hờ Pen nói.

 

Kiến vàng là loài côn trùng chuyên săn mồi trên tán lá cây cao trong rừng tự nhiên và trong vườn cây ăn quả. Có kiến vàng, cây ăn quả sẽ cho trái ngon ngọt, trĩu quả và ít bị sâu bọ hơn. Kiến vàng có tên gọi khoa học là OECOPHYLLA SMARAGDINA- là một loài thiên địch có lợi cho cây trồng.

 

VÂN THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek