Thứ Năm, 10/10/2024 13:22 CH
Khôi phục các làng nghề truyền thống:
Không thể thiếu vai trò phụ nữ
Thứ Bảy, 22/03/2014 14:00 CH

Thông qua các dự án phát triển làng nghề truyền thống, phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần hồi sinh các làng nghề, thay đổi diện mạo cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn.

 

Hoa140322.jpg

Phụ nữ phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) phát triển làng nghề trồng hoa, rau truyền thống - Ảnh: T.VĂN

Cách đây 4 năm, thông qua Hội LHPN huyện Phú Hòa, 50 phụ nữ làm nghề bó chổi đót ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng được vay 500 triệu đồng để phát triển làng nghề. Từ số vốn này, chị em không chỉ mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện đời sống gia đình mà còn góp phần giải quyết số lao động nhàn rỗi ở địa phương. Điển hình như các chị Cao Thị Nàng, Tô Thị Thanh Thúy… từ đồng vốn tích lũy của gia đình cộng với vốn vay (10 đến 20 triệu đồng/hộ), các chị đã mở rộng quy mô sản xuất, thu hút 5 đến 7 lao động trong thôn đến làm việc với mức thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Thắng Nguyễn Thị Thẩm cho biết: Từ năm 2008 đến nay, có gần 150 phụ nữ ở làng nghề bó chổi đót Mỹ Thành thiếu vốn làm ăn được Hội Phụ nữ tạo điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ số vốn ban đầu 500 triệu đồng, chị em vay trong vòng 2 năm (dự án kết thúc). Nhưng trên cơ sở hiệu quả thiết thực của việc phát triển làng nghề truyền thống và nguyện vọng chị em, sau khi trả vốn, các chị được tạo điều kiện tiếp tục vay đáo hạn và xoay vòng. Hiện giờ, dự án phát triển làng nghề bó chổi đót này vẫn tiếp tục được triển khai và chị em rất phấn khởi. Chị Đào Thị Liêm, một phụ nữ trong thôn, bộc bạch: “Thời gian trước đây, do không có vốn, kinh tế gia đình lại khó khăn, tôi phải đi bó chổi thuê cho các gia đình trong thôn. Từ khi được vay vốn từ dự án, tôi mua nguyên liệu về làm tại nhà, không còn phải đi làm thuê nữa. Nhờ vậy mà gia đình có đồng ra đồng vô để trang trải các khoản chi phí hàng ngày và lo con cái ăn học”.

Cũng như ở Hòa Thắng, đến nay nhiều hộ dân trồng hoa và rau xanh ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) tiếp tục được Hội LHPN phường bảo lãnh vay nguồn vốn giải quyết việc làm của UBND tỉnh từ năm 2009. Chị Nguyễn Thị Sửu ở khu phố 2 chia sẻ: “Sự tạo điều kiện vay vốn kịp thời của Hội Phụ nữ đã giúp chúng tôi có thêm chi phí để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mở rộng diện tích trồng rau, hoa của gia đình”.

 

Từ dự án phát triển làng nghề, chị Thái Thị Mỹ Ngọc ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (Tuy An) được vay 20 triệu đồng để mở rộng nghề bánh tráng (thông qua Hội Phụ nữ tín chấp). Cùng với tiền vay này, chị Ngọc thêm tiền gia đình dành dụm đầu tư xây lò hơi để sấy bánh tráng. Trước đây, vào mùa mưa gia đình chị phải phơi sấy bánh bằng củi nên bánh hay bị ám khói, cong vênh không đẹp, không được dẻo ngon, nên khi bán ra thị trường không được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ khi có hệ thống sấy bằng lò hơi, chất lượng bánh ổn định, không phải lo lắng mỗi khi thời tiết thất thường, mỗi ngày vợ chồng chị Ngọc bán được từ 800 đến 1.000 bánh, sau khi trừ chi phí, thu được 200.000 đồng.

 

Cũng dùng vốn vay để phát triển nghề, chị Nguyễn Thị Linh ở thôn Tân Long, xã An Cư (Tuy An) vay 20 triệu đồng từ dự án cộng với số tiền tiết kiệm 20 triệu đồng của gia đình, chị đã mua một chiếc máy dệt chiếu. Cách đây 2 năm, chị Linh đã vay mượn mua thêm 5 máy dệt nữa. Hàng ngày, gia đình chị sản xuất được 60 chiếc chiếu, trừ chi phí, lãi được 9 triệu đồng/tháng. Chị Linh còn tạo việc làm cho 12 lao động, là các chị em có hoàn cảnh khó khăn, cho thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuy An Bùi Thị Yên cho hay, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Tuy An thời gian qua đã đứng ra tín chấp, làm chủ để thực hiện 10 dự án phát triển kinh tế làng nghề truyền thống, với số tiền hơn 3,6 tỉ đồng và thu hút trên 250 hộ tham gia. Cùng với việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, các cấp hội còn giúp các địa phương giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống một cách hiệu quả. Qua hoạt động sản xuất của các mô hình làng nghề đã xuất hiện nhiều gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi như chị Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Phượng (xã An Cư) với mô hình dệt chiếu cói, chị Huỳnh Thị Tâm (xã An Chấn) với mô hình chế biến nước mắm, hoặc chị Nguyễn Thị Luôn (xã An Mỹ) với nghề bánh tráng, chị Đỗ Thị Trang (xã An Định) với nghề đan thúng chai, chị Thiều Thị Kim Tuyến (xã An Ninh Tây) với mô hình mây tre đan…

 

Có một điều lâu nay không ít phụ nữ tại các làng nghề trăn trở, đó là số vốn vay không lớn, chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt, vì thế các dự án này hiện nay đã nâng mức cho vay lên 20 triệu đồng/hộ, tùy theo quy mô sản xuất. Nguồn vốn này góp phần tạo điều kiện cho chị em có việc làm, tăng thu nhập và vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của cha ông.

 

LAN KHANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek