Thứ Năm, 10/10/2024 19:13 CH
Tham gia xuất khẩu lao động:
Không xoay nổi chi phí
Thứ Năm, 20/03/2014 07:56 SA

Thời gian qua, dù nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở ngoài nước khá cao và đa dạng nhưng rất ít người dân Phú Yên tham gia chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Một trong những nguyên nhân gây trở ngại là người lao động không lo đủ chi phí cho chuyến đi.

 

anh-tu-van140320.jpg

Tư vấn, hướng dẫn thủ tục xuất khẩu lao động cho người lao động tại một phiên giao dịch việc làm - Ảnh: N.HÂN

GẶP KHÓ VÌ THIẾU VỐN

 

Phú Yên hiện có 2 trung tâm giới thiệu việc làm và 1 trường cao đẳng nghề chuyên tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và phục vụ cho chương trình XKLĐ của địa phương. Thông tin tuyển dụng tại các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh đang đăng tuyển lao động ở các thị trường ngoài nước gồm Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài những việc có yêu cầu trình độ tay nghề nhất định, số lượng đầu việc dành cho lao động phổ thông lên đến hàng ngàn. Trong đó, nhiều nhất là lao động trong ngành xây dựng, lắp ráp hàng điện tử, chế biến thực phẩm, giúp việc nhà, chăm sóc người già… Với nhu cầu tuyển lao động xuất khẩu, các đơn vị tuyển dụng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ như đài thọ vé máy bay khứ hồi, nhà ở, điện, nước, gas, dụng cụ nấu ăn miễn phí, có xe đưa đón đi lại từ chỗ ở đến nơi làm việc và ngược lại. Thời hạn hợp đồng từ 2 đến 3 năm và có thể gia hạn thêm 2 năm. Hết năm làm việc đầu tiên, người lao động được nghỉ 1 tháng về thăm nhà và được hưởng lương cơ bản với mức thu nhập từ 8 đến 35 triệu đồng/tháng.

 

Tuy mức thu nhập và chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn, nhưng chi phí cho chuyến đi lại khá cao; thị trường Malaysia từ 23 đến 25 triệu đồng, Nhật Bản 75 triệu đồng, Hàn Quốc 189 triệu đồng…Vì chi phí như vậy nên người lao động gặp trở ngại lớn về tài chính và đây là rào cản lớn đối với không ít người muốn đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay mức vay cho người tham gia chương trình XKLĐ tối đa là 30 triệu đồng, cho nên dẫn đến nghịch lý người thực sự có nhu cầu thì thiếu vốn và ngược lại người được hỗ trợ XKLĐ lại không muốn đi. Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Việc làm - XKLĐ (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: “Năm 2013, kinh phí Trung ương phân bổ 1 tỉ đồng để tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình XKLĐ là người lao động nghèo, thân nhân người có công và người dân tộc thiểu số, nhưng số người tham gia chương trình này rất ít. Năm 2013, tổng số lao động toàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài là 415 người. Trong đó, lao động đi theo chương trình XKLĐ là 95 người, chủ yếu làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn lại, có 320 lao động đi theo hình thức tự liên hệ, do các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu tuyển đi Lào, Campuchia… Tuy số người XKLĐ không nhiều nhưng đạt chất lượng và hiệu quả việc làm cao. Hầu hết đều có việc làm ổn định và thu nhập đáng kể, kinh tế gia đình từng bước nâng lên. Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đều đặn gửi tiền về cho gia đình mua đất, cất nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và đầu tư cho con cái ăn học.

 

NÊN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG VAY VỐN

 

Mấy năm qua, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn và giải đáp thắc mắc về việc làm, XKLĐ đến tận thôn, buôn; đồng thời, tích cực triển khai công tác XKLĐ, trong đó tập trung quan hệ tốt với các đơn vị tuyển lao động đi làm việc ở các nước có thu nhập cao và ổn định. Ngành chức năng đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền công khai về chính sách, chế độ, tuyển chọn để góp phần làm lành mạnh hóa về nhận thức, nghĩa vụ, quyền lợi của cơ quan, doanh nghiệp và người lao động… nhằm thu hút nhiều lao động tham gia đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài việc niêm yết các thông tin về việc làm, đăng tải các thông tin tuyển dụng và giới thiệu các thị trường lao động trên các website: vlphuyen.vieclamvietnam.gov.vn, tinhdoanphuyen.org.vn…, tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ, hội chợ việc làm, ngành còn mời các công ty XKLĐ tham gia tư vấn, giới thiệu về các thị trường lao động và tuyển dụng trực tiếp.

 

Ông Đinh Tấn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên, cho biết: Có nhiều nguyên nhân hạn chế công tác XKLĐ, nhất là do dư âm của việc nhiều lao động đi XKLĐ về nước trước hạn do thiếu việc làm, thu nhập thấp gây tâm lý hoang mang đến người lao động; thị trường Hàn Quốc ngừng tuyển lao động cũng ảnh hưởng không ít đến công tác giải quyết việc làm, XKLĐ của địa phương và chưa có nơi tổ chức khám sức khỏe để đi XKLĐ trong tỉnh; do hạn chế về sức khỏe, tay nghề, tác phong công việc không đáp ứng yêu cầu công việc; bất đồng ngôn ngữ, không thích nghi với phong tục, tập quán nước sở tại. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là chi phí đi XKLĐ quá cao. Trong khi đó, công tác tư vấn, tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, cán bộ làm công tác XKLĐ từ tỉnh đến huyện, xã đều kiêm nhiệm; công tác nhân sự ở các xã thường thay đổi nên việc thực hiện nghiệp vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn… chưa cao.

 

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh, để tháo gỡ những vướng mắc trên, ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số đi XKLĐ, sở sẽ tập trung phát triển thị trường XKLĐ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu về trình độ tay nghề để công tác XKLĐ của tỉnh nhà ngày càng đạt kết quả cao; phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi XKLĐ theo Quyết định số 470 của Bộ LĐ-TB-XH. Ông Soa cho rằng, với những điều kiện tuyển dụng thuận lợi của thị trường lao động ngoài nước cùng với điều kiện kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lao động Phú Yên có thể tự tin đăng ký đi XKLĐ. Vấn đề cốt lõi là cần nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ ngành, đoàn thể chức năng trong công tác vận động XKLĐ, kịp thời cập nhật thông tin và tuyên truyền đầy đủ, chính xác đến người lao động có nguyện vọng và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

 

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Việc làm - XKLĐ (Sở LĐ-TB-XH): Nên mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi khi tham gia chương trình XKLĐ như bộ đội xuất ngũ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cận nghèo, con em cựu chiến binh, hộ bị thu hồi đất nhưng thiếu việc làm... Đồng thời nâng mức cho vay không cần thế chấp tài sản từ 30 triệu lên 50 triệu đồng cho lao động đi làm việc theo hợp đồng ở những nước có thu nhập cao, ổn định. Có như vậy, sẽ có thêm nhiều lao động có cơ hội ra nước ngoài làm việc.

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek