Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quy định:“Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Và hơn ai hết, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống cháy, nổ.
Diễn tập phòng chống cháy nổ tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: X.HIẾU
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, góp phần hạn chế sự gia tăng về số vụ tai nạn lao động và cháy nổ gây ra, đặc biệt là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; đồng thời hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 - năm 2014; từ ngày 4 đến 7/3, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an Phú Yên đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại 8 đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao, như: Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, Công ty cổ phần PYMEPHARCO, Khách sạn Kaya, Công ty Long Việt, Khách sạn CenDeluxe, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty TNHH liên doanh HOYA - Đại Thuận và Công ty TNHH Sản xuất Thái Thịnh; đồng thời tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC tại 3 đơn vị và diễn tập chữa cháy tại 2 đơn vị.
Trung tá Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an Phú Yên, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung các cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong đợt này, từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân, viên chức đều có ý thức trong việc PCCN; các quy định, quy tắc trong ATVSLĐ-PCCN được các đơn vị tuân thủ, bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như Công ty cổ phần PYMEPHARCO, sau sự cố xảy ra cháy vào năm 2011, gây thiệt hại đáng kể về tài sản, công tác PCCC được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện khá tốt. Công ty đã tổ chức cho công nhân lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như: phối hợp xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác ATVSLĐ-PCCN theo quy định của ngành sản xuất dược và theo quy định của Luật PCCC. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn còn một số thiếu sót về thủ tục hành chính, như: chưa kịp bổ sung vào hồ sơ một số phương án PCCC; chưa có báo cáo quyết định về kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ; một số vòi nước chữa cháy không đảm bảo chất lượng… Theo trung tá Nguyễn Văn Thành, những thiếu sót này tuy không phải là nguyên nhân gây ra cháy, nổ nhưng “án tại hồ sơ”, nếu có sự cố xảy ra thì việc xử lý tại chỗ và việc giải quyết bảo hiểm sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, ở một số doanh nghiệp khác, công tác tự kiểm tra còn sơ sài, không đánh giá hết những tồn tại ở cơ sở trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa kịp thời…
Hiện nay, thời tiết ở Phú Yên sắp vào mùa nắng nóng nên rất dễ xảy ra cháy. Và thực tế trong tuần qua đã xảy ra 1 vụ cháy tại chợ (TX Sông Cầu) và 1 vụ cháy nhà (phường 4, TP Tuy Hòa). Theo trung tá Nguyễn Văn Thành, công tác PCCN, mà phòng là hàng đầu, là nhiệm vụ của mọi đơn vị, tổ chức và cá nhân. Để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị và từng hộ dân phải đặt công tác PCCN lên hàng đầu. Đối với những nơi nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, như các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở in… cần tăng cường tuyên truyền PCCN đến cán bộ, công nhân viên, thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCN để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy, nổ. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi phát sinh. Đối với các hộ gia đình, chủ hộ cần trau dồi kiến thức PCCC, thoát nạn và phổ biến cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng cùng biết… Khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH theo số máy 114 và cho công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức lực lượng tại chỗ bằng mọi cách dập cháy và cứu người, đưa người bị nạn đi cấp cứu.
VĂN LANG