Thứ Bảy, 12/10/2024 01:27 SA
Phòng, chống dịch cúm gia cầm:
Tập trung bao vây, khống chế, không để lây lan
Thứ Bảy, 22/02/2014 08:00 SA

Trước tình hình dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa), ngành Thú y đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để bao vây, khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Báo Phú Yên trao đổi với ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y xung quanh vấn đề này.

 

tiem-phong140222.jpg

Cán bộ thú y tiêm phòng bệnh cúm trên đàn vịt nuôi tại huyện Tuy An - Ảnh: K.NHO

* Sau nhiều năm Phú Yên không xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng hiện nay tại huyện Đông Hòa đã xuất hiện một ổ dịch. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

 

- Trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút phát sinh và lây lan trên diện rộng, gây dịch bệnh cho vật nuôi. Vào thời điểm này, không riêng dịch cúm gia cầm mà tất cả các loại dịch bệnh khác như tả, tụ huyết trùng, niu-cát-xơn… đều bùng phát mạnh; những đàn gia súc, gia cầm có sức đề kháng yếu và chưa được tiêm phòng đầy đủ là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Qua kiểm tra của cơ quan thú y, đàn vịt bị nhiễm cúm gia cầm tại xã Hòa Xuân Đông là giống vịt siêu thịt Super Meat, rất nhanh lớn nhưng sức đề kháng kém, lại chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm nên khi gặp điều kiện bất lợi, vi rút cúm gia cầm dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.

 

* Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra hiện nay?

 

- Hiện khu vực giáp ranh với ổ dịch có 4 hộ khác đang nuôi vịt, nhưng các đàn vịt này vẫn đang khỏe mạnh, chưa có dấu hiệu bị nhiễm bệnh và cho đến nay vẫn chưa phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới nào.

 

Địa điểm phát dịch nằm ở cuối dòng sông Bàn Thạch, là khu vực cách ly, không có dân cư sinh sống, chỉ có một số người dân địa phương đến chăn nuôi vịt nên khả năng lây lan của dịch bệnh cũng được hạn chế… Tuy nhiên, hiện cả nước, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 17 tỉnh, thành, đặc biệt là 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, giáp ranh với tỉnh ta, có tốc độ lây lan khá nhanh, nên diễn biến của dịch bệnh vẫn rất phức tạp, nguy cơ mầm bệnh từ các tỉnh khác xâm nhập vào Phú Yên rất cao.

 

* Ngành Thú y làm gì để khống chế ổ dịch tại địa phương và ngăn chặn nguồn dịch lây nhiễm từ tỉnh ngoài vào?

 

- Về nhân lực, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiện toàn các ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn, thôn, buôn. Ngành liên tục kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở cơ sở và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của từng đơn vị.

Còn về vật lực, UBND tỉnh đã cấp kinh phí mua 408.000 liều vắc xin H5N1 để tiêm phòng theo cách bao vây khẩn cấp ổ dịch tại huyện Đông Hòa. Chi cục Thú y cũng đã dự trữ 20.000 lít thuốc sát trùng Benkocid cùng các thiết bị bảo hộ để phòng chống dịch. Chi cục Thú y đã cấp 120 lít thuốc sát trùng và tạm ứng 200.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho huyện Đông Hòa để phun tiêu độc sát trùng môi trường và tổ chức tiêm phòng bao vây cho đàn gia cầm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin và 10.000 lít thuốc sát trùng để tiêm phòng cho đàn gia cầm các huyện, thị, thành phố còn lại.

 

Để khống chế mầm bệnh lây nhiễm từ các tỉnh ngoài vào địa phương, Chi cục Thú y đã tham mưu UBND tỉnh thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các xã Ea Ly, Sông Hinh (Sông Hinh) và trên đường Phước Tân - Bãi Ngà (Đông Hòa). Các chốt kiểm dịch này cùng với chốt kiểm dịch tại cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) và trạm kiểm dịch Hảo Sơn (Đông Hòa) hoạt động 24/24 giờ với sự tham gia của lực lượng thú y, quản lý thị trường và cảnh sát giao thông để kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, không để xảy ra trường hợp nhập lậu gia cầm bệnh vào tỉnh.

 

* Hiện Phú Yên vẫn chưa công bố dịch cúm gia cầm. Trong điều kiện nào sẽ phải công bố dịch, thưa ông?

 

- Việc công bố dịch cúm gia cầm được thực hiện theo Pháp lệnh Thú y năm 2004; khi công bố dịch phải hội đủ các điều kiện như: Bệnh nằm trong danh mục các loại bệnh phải công bố dịch như bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm… có kết quả xét nghiệm dương tính đối với loại bệnh được công bố; có tính chất lây lan trên diện rộng. Cụ thể, sẽ công bố dịch cấp xã nếu tại xã đó có 3 đến 5 ổ dịch, công bố dịch cấp huyện nếu có từ 3 xã trở lên có dịch và phải công bố dịch cấp tỉnh nếu có 3 huyện trở lên phát dịch, các ổ dịch có tính chất lây lan mạnh.

 

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ phát hiện 1 ổ dịch và đã được khống chế kịp thời, chưa có dấu hiệu lây lan nên chưa đủ điều kiện công bố dịch.

 

* Trong trường hợp gia cầm bị dịch cúm, bắt buộc phải tiêu hủy đàn thì người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ như thế nào?

 

- Đối với gia cầm buộc tiêu hủy (khi có xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm) thì UBND tỉnh sẽ ra quyết định hoặc ủy quyền cho UBND huyện ra quyết định tiêu hủy. Trong trường hợp này, gia cầm sẽ được hỗ trợ, không phân biệt có tiêm phòng hay không tiêm phòng. Ngoài ra, trong trường hợp phải tiêu hủy khẩn cấp, Chi cục Thú y có văn bản đề nghị UBND huyện ra quyết định tiêu hủy thì hộ nuôi gia cầm cũng sẽ được hỗ trợ. Nếu người dân tự tiêu hủy mà không có ý kiến của các cấp, ngành chức năng sẽ không nhận được hỗ trợ… Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo cơ chế ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị vật nuôi bị tiêu hủy (theo giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy).

 

* Đối với người tiêu dùng khi mua và chế biến gia cầm, ông có khuyến cáo như thế nào trong lúc này ?

 

- Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn khi mua gia cầm sống cũng như các sản phẩm từ gia cầm như thịt, trứng... Khi mua, người tiêu dùng nên chọn mua gia cầm, sản phẩm gia cầm ở những điểm bán có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như siêu thị hay các cửa hàng có giấy tờ nhập hàng. Nếu gia cầm giết mổ sẵn thì yêu cầu phải có dấu kiểm soát giết mổ của ngành Thú y trên thân thịt. Khi chế biến gia cầm cho bữa ăn phải nấu chín thịt ở nhiệt độ 100 độ C, không nên ăn tiết canh… Người dân tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm.

 

* Đối với người chăn nuôi thì nên thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Người nuôi nếu nhập mới đàn phải chọn gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn con giống từ những cơ sở chăn nuôi an toàn, sạch bệnh và tốt nhất chọn từ đàn bố mẹ có tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Đồng thời, bà con cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, niu-cát-xơn, gumboro, tụ huyết trùng, tả… Cách chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm là nuôi gia cầm với mật độ nuôi phù hợp, nuôi riêng biệt theo từng lứa tuổi; áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường; đồng thời, cung cấp đủ nước sạch và thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng cho gia cầm.

 

Khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh, chết bất thường chưa rõ nguyên nhân, người nuôi phải báo ngay cho nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời. Người nuôi tuyệt đối không bán chạy gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm xuống kênh mương, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Để phòng lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người, khi tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bệnh, người tiếp xúc phải sử dụng bảo hộ lao động, tối thiểu phải đeo khẩu trang, găng tay.

 

Xin cảm ơn ông!

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek