Thời gian qua, cùng với việc tập trung xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) còn giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công, người tàn tật. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại.
Em Phan Việt Lâm đang nhờ mẹ cho ăn cơm - Ảnh: K.CHI
Người tàn tật có giấy giám định của pháp y bị mất sức lao động đến 81%, nhưng không được hưởng các chế độ đối với người tàn tật, thậm chí còn bị gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự (?!) như trường hợp anh Phan Việt Lâm (sinh năm 1986) ở thôn Phú Ân. Ông Phan Riều, bố Lâm cho biết Lâm vừa lọt lòng đã tàn tật, tay chân co quắp. Tháng 4/2000, cháu được Hội đồng giám định y khoa Phú Yên khám và kết luận bị động kinh di chứng do bại não mức độ nặng, tỉ lệ mất sức lao động là 81%”. Gia đình ông thuộc diện nghèo, có mấy sào ruộng nhà nước cấp cũng đành chuyển nhượng cho người khác để lấy tiền trị bệnh cho con. Ông thì quanh năm đi phụ hồ, làm thuê làm mướn; bốn đứa con phải nghỉ học hai để đi làm hột điều, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cuộc sống khó khăn nối tiếp khó khăn. Thế nhưng, khi gia đình đem biên bản giám định y khoa đến trình UBND xã để xin trợ cấp thì không thấy xã giải quyết!? Không chỉ có vậy, đến tháng 3/2003, khi Lâm đủ 17 tuổi, Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã lại phát lệnh triệu tập đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Vì Lâm tàn tật không đi được, UBND xã đã cho du kích, rồi phó thôn lần lượt đến nhà buộc cháu Lâm phải đi, bất chấp mọi giấy tờ chứng minh bệnh tật và hình dạng bên ngoài của anh. Cuối cùng, theo lệnh triệu tập của Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, gia đình phải cõng Lâm đến trạm y tế xã để khám.
Một điều khó hiểu nữa là, theo Pháp lệnh về người tàn tật do Nhà nước qui định, các đối tượng như Lâm hoàn toàn được miễn các khoản đóng góp như góp tiền xây dựng đường bê tông nông thôn, xây dựng trường học… thế mà, nhiều năm qua, trong thông báo các khoản thu hằng năm của xã Hòa An, căn cứ Nghị quyết HĐND về giao chỉ tiêu thu- chi ngân sách xã, đối với gia đình ông Phan Riều đều có tên Phan Việt Lâm.
Ngoài trường hợp trên, còn có việc một số người cao tuổi của xã Hòa An bị “lãng quên” một cách vô lý. Hằng năm, họ đều có tên trong danh sách phải đóng các khoản thu của xã như quỹ xây dựng trường học…, dù đã 80- 90 tuổi... những trường hợp không đóng, mỗi lần đến xã ký giấy tờ gì cũng khó khăn, vì bị cho rằng chưa hoàn thành trách nhiệm công dân…
Khi chúng tôi gặp cán bộ lao động xã hội, tài chính của xã và hỏi về vấn đề trên, thật ngạc nhiên, cán bộ này không nắm rõ các qui định của Nhà nước đối với người tàn tật, người cao tuổi. Và cứ thế, năm nào cũng có nhiều đối tượng người cao tuổi, tàn tật của xã lẽ ra phải được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ, vẫn phải đóng rất nhiều khoản thu bất hợp lý.
Mong rằng, việc áp dụng, giải quyết các chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng xã hội trên địa bàn xã Hòa An sớm được thực hiện công bằng, trả lại đúng quyền lợi mà Nhà nước đã ưu đãi cho các đối tượng này.
HOÀNG LÊ