Thứ Bảy, 12/10/2024 19:19 CH
Ngày xuân đi xem hội
Chủ Nhật, 09/02/2014 09:40 SA

Mùa xuân là mùa của lễ hội, vui chơi, du lịch. Phú Yên có hệ thống lễ hội khá phong phú, từ miền sông nước cho đến trung du miền núi. Ngày xuân chơi hội, đã trở thành nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương và sự thú vị đặc biệt đối với du khách.

 

da-nong140209.jpg

Lễ hội sông nước Đà Nông (Đông Hòa) vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm thu hút hàng ngàn người dân và du khách xem hội - Ảnh: T.QUỚI

TƯNG BỪNG LỄ HỘI SÔNG NƯỚC ĐẦU XUÂN

 

Bắt đầu từ mùng 4 tết, các địa phương trong tỉnh Phú Yên từ vùng sông nước đồng bằng, đến các huyện miền núi, khắp nơi tưng bừng các hoạt động văn hóa, thể thao trên sông nước, thu hút hàng nghìn người đến xem và cổ vũ.

 

Lễ hội sông nước Tam Giang ở TX Sông Cầu là một trong những lễ hội tiêu biểu với nhiều hoạt động hội hè, vui chơi, du lịch đặc sắc.

 

Trên dòng Tam Giang (TX Sông Cầu) thơ mộng in bóng hàng dừa nghiêng dáng, hàng ngàn người từ các nơi đã hào hứng xem các hoạt động thể thao như: đua thuyền rồng, lắc thúng chai, bơi lội, vật tay, câu cá, leo cột buồm, kéo co, đẩy gậy, bắt vịt trên sông, biểu diễn võ thuật, hội thi “Duyên dáng xứ dừa”, “Người đan lưới giỏi”. Riêng Hội thi “Duyên dáng xứ dừa” đã trở thành hoạt động truyền thống, đặc sắc rất được nhiều người mong đợi trong Lễ hội sông nước Tam Giang tổ chức thường niên vào dịp Tết Nguyên đán. Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, TX Sông Cầu cũng đã tổ chức các hoạt động du xuân trên vịnh Xuân Đài.

 

Du khách ngồi trên những chiếc thuyền mà ngày thường ngư dân đánh cá đi một vòng quanh vịnh, được nghe chính các hướng dẫn viên là người con xứ dừa Sông Cầu giới thiệu, hướng dẫn những thắng cảnh tuyệt đẹp của Xuân Đài. Thuyền chạy chầm chậm quanh vịnh Xuân Đài. Những dãy núi cao trùng điệp, những cồn, bãi cát trắng, mịn, sóng êm hiện ra trước mắt rất lý tưởng. Đặc biệt, nhiều ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành nhiều vũng nhỏ và gành đá nhiều hình dáng độc đáo và cái tên cũng thật lạ như gành Đèn, gành Đỏ, mũi Động Tranh, gành Ông Tướng, gành Bà… Mặt nước mùa xuân phẳng như tấm gương màu ngọc bích, khiến du khách phải thốt lên: Thật tuyệt vời và thú vị!

 

Với cộng đồng dân cư sinh sống ven biển, đầm phá, lễ hội sông nước trong dịp đầu năm là hoạt động văn hóa - thể thao lành mạnh, đồng thời là nhu cầu tâm linh của ngư dân cầu mong một năm trời yên, biển lặng, hải sản sinh sôi, nảy nở, được mùa bội thu. Còn với du khách đây là dịp để du xuân, thưởng lãm danh thắng cấp quốc gia, hiểu thêm những nét văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc các vùng miền.

 

Hội đua thuyền đầm Ô Loan (An Cư, Tuy An), đua thuyền rồng trên sông Chùa (TP Tuy Hòa) vào ngày mùng 7 tết, Lễ hội sông nước Đà Nông (xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa) mùng 8 tháng Giêng cũng được tổ chức rất phong phú các nội dung. Thuyền rồng, sõng lưới, thuyền chài, thúng chai, bơi lội… những môn thi gắng với đời sống sinh hoạt lao động hàng ngày của người dân vùng sông nước.

 

Anh Hồ Ngọc Thanh, một khách du lịch từ TP Đà Nẵng bộc bạch: Tôi cũng lớn lên ở vùng Duyên hải, nhưng lễ hội mỗi nơi đều mang nét đặc trưng rất riêng. Tôi rất thích khi được hòa mình vào không khí lễ hội cùng người dân địa phương, một sự trải nghiệm thú vị.

 

LỄ HỘI CHÙA ĐÁ TRẮNG, ĐUA NGỰA GÒ THÌ THÙNG

 

Hai trong nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa là Lễ hội Chùa Đá Trắng (xã An Dân) vào mùng 10, 11 tháng Giêng và Hội đua ngựa Gò Thì Thùng (xã An Xuân, Tuy An) sáng mùng 9 tết.

 

Nếu như Lễ hội Chùa Đá Trắng gắn với văn hóa tâm linh thường thu hút đông đảo phật tử và người theo tín ngưỡng Phật giáo, người thích tìm hiểu văn hóa tâm linh, tôn giáo thì Hội đua ngựa Gò Thì Thùng đã thành truyền thống như một lời hẹn với bà con các vùng trung du, miền núi huyện Tuy An mỗi dịp xuân về. Những nông dân lam lũ bám ruộng bám rẫy có một ngày trở thành kỵ sĩ rạp mình trên lưng ngựa trong những tràng pháo tay cổ vũ. Hội đua ngựa gắng với địa danh lịch sử của An Xuân (Tuy An) Gò Thì Thùng như một thực thể thống nhất, hòa quyện giữa văn hóa và lịch sử.

 

Riêng Lễ hội Chùa Đá Trắng năm nay được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn khi kết hợp với Lễ công bố trao bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam cho cụm quần thể 20 cây xoài Đá Trắng trong khuôn viên vườn chùa.

 

Ngoài ra, trong dịp đầu năm còn có một số lễ hội gắn với văn hóa địa phương, danh nhân lịch sử, thành hoàng như: Hội bài chòi, Lễ hội đập Đồng Cam (mùng 8 tết), đền Lê Thành Phương (27, 28 tháng Giêng)… thu hút đông đảo du khách bốn phương.

 

Không gì vui hơn khi ngày xuân đi xem hội. Đến hội, có khi người ta cùng tham gia chơi hội, xem hội và điều quan trọng là được trải nghiệm nét văn hóa địa phương cùng không khí lễ hội thật vui tươi, háo hức trong ngày đầu năm.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek