1. Mấy hôm nay, phường và khu phố ta vận động các gia đình đóng góp chia sẻ với đồng bào miền Trung vừa bị lũ lụt. Nhà mình ủng hộ bao nhiêu đây anh? - Ủng với hộ cái gì? Ở cơ quan tui bị trừ một ngày lương là đủ rồi, giờ về nhà còn bày đặt này nọ! - Đây là chủ trương chung mà, mỗi người “của ít lòng nhiều” cộng lại cũng đỡ cho bà con ngoài đó lắm, anh à! - Chủ chủ cái gì, mấy bà rảnh quá hả, thôi về đi để tui còn xem thời sự nữa…
Chị T, cán bộ ban công tác Mặt trận khu phố kể lại đoạn đối thoại nói trên với anh V, một công chức, khi cùng đại diện các chi hội đoàn thể đến nhà đề nghị vợ chồng anh ta đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung vừa bị lũ lụt. Theo chị, còn có trường hợp “oái ăm” như khi đi vận động quyên góp tiền mua quà trung thu cho các cháu nghèo, có hộ thấy các chị đến là đóng cổng im ỉm; có hộ đóng 5.000 đồng nhưng đưa tờ 500.000 đồng để “làm khó”. Thậm chí, có hộ không góp đồng nào mà còn “lên lớp” về trách nhiệm của Nhà nước, của cán bộ là phải chăm lo đầy đủ cho cuộc sống của dân, hở một cái mà “đi thu tiền” như vầy là không được, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm! Lúc đó, các chị nói là ngân sách phường chi tặng quà cho các cháu đã có nhưng còn thấp, đây là phần góp thêm tùy lòng hảo tâm của mỗi nhà. Nếu được thì mỗi phần quà sẽ đầy đặn hơn, các cháu có thêm niềm vui đón trăng, xem múa lân… Chị T kết luận: “Làm công tác Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở bọn tôi ngán nhất là chuyện đi kêu gọi các khoản này. Nhưng nếu mình không xáp vô thì lấy ai lo bây giờ? Thôi thì cứ lấy chữ “nhẫn” làm đầu. May mà đa số dân mình là tốt, các trường hợp vừa kể tuy có nhưng không nhiều lắm!”.
2. Lâu nay, ở thôn, buôn, khu phố, đội ngũ cán bộ Mặt trận, các chi hội đoàn thể như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh có vai trò rất quan trọng, nhất là trong công tác vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xây dựng cơ sở ở địa phương. Vận động người dân hiến đất, dỡ hàng rào để xây đường bê tông thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới: họ đi đầu! Vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình để nuôi con khỏe, dạy con ngoan: Họ có mặt! Vận động người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội: Họ tiên phong… Rồi thì tham gia hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để giữ vững tình làng nghĩa phố, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đấu tranh với nạn truyền đạo trái phép, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…, có thể nói, trên bất kỳ “trận” nào, đội ngũ này cũng “có mặt”, cũng “đưa mặt ra chịu trận” để góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân. Công việc của đội ngũ này thầm lặng mà cao quý, thiết thực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân - cái gốc để giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước tiến lên phồn vinh, hạnh phúc.
Vì thế, cần lắm sự sẻ chia, cảm thông, ủng hộ để đội ngũ này có thêm động lực, niềm vui khi thực hiện chức trách, nghĩa vụ của mình. Bởi vì, xét cho cùng, việc làm của họ cũng là vì sự yên vui, phát triển của cộng đồng và trong đó, mỗi người đều được thụ hưởng các thành quả mà cộng đồng mang lại.
SÔNG BA HẠ