Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.820 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm 2,96% tổng số trẻ em. Trong đó, có 2.018 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không người nuôi dưỡng; 1.123 trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 1.068 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; 2 em bị nhiễm HIV/AIDS; 2.609 em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Đây là những đối tượng cần được xã hội quan tâm.
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên tặng xe đạp - Ảnh: K.CHI
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhiều hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị. Số trẻ em này hầu hết sống trong các gia đình nghèo, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên các em chưa được chăm sóc một cách đầy đủ.
Ông Nguyễn Bá Trắc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong thời gian qua công tác truyền thông rất được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Vì vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện kịp thời. Cụ thể, hàng năm, tỉnh đã giải quyết trợ cấp xã hội từ ngân sách Nhà nước cho gần 600 trẻ em với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng/năm. Năm 2013 có 14 em được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh; tổ chức thăm và tặng hàng ngàn suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ dạy nghề cho gần 300 trẻ với các nghề may dân dụng, uốn tóc, sửa xe… Qua kiểm tra có hơn 160 trẻ em có việc làm ổn định; hỗ trợ phẫu thuật và cấp dụng cụ chỉnh hình cho gần 60 em, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 65 em bị bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ phẫu thuật cho hơn 50 em bị các dị tật vùng mặt; có hơn 550 em được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức tặng gần 260 suất học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, nghèo vượt khó học giỏi; vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng hơn 1.500 suất quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu hàng năm; duy trì có hiệu quả dự án phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh.
Thế nhưng, trên thực tế các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng chưa được thiết thực, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt do hậu quả của chiến tranh, ảnh hưởng chất độc hóa học. Số trẻ em được chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng còn ít. Mức trợ cấp, trợ giúp còn thấp nên đời sống của các em gặp nhiều khó khăn. Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh còn nhiều, trong khi nguồn ngân sách và kinh phí vận động còn hạn chế. Do đó việc triển khai các hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trước thực trạng đó, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2014-2020, huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn; xây dựng mô hình cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ em bị tự kỷ, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác; xây dựng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; xây dựng một số ngôi nhà tạm lánh tại cơ sở bảo trợ xã hội để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
HOÀNG LÊ