Chủ Nhật, 24/11/2024 11:02 SA
Nhọc nhằn phụ nữ gặt lúa thuê
Thứ Bảy, 05/10/2013 14:10 CH

Từ ngày máy gặt đập liên hợp “tung hoành” trên các cánh đồng, những người phụ nữ gặt lúa thuê không còn nhiều việc để làm. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của các chị giảm đáng kể khi mùa vụ tới.

 

cat-lua131005.jpg

Lúa ngã càng làm cho việc gặt của phụ nữ thêm nhọc nhằn - Ảnh: T.CAO

BÁN MẶT CHO ĐẤT, BÁN LƯNG CHO TRỜI”

 

Tất bật trên cánh đồng xã Hòa Thắng (Phú Hòa) từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Hiếu ở thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) cho biết, ruộng gần nhà đã hết, chị cùng nhóm bạn phải đi đến những cánh đồng xa hơn để gặt lúa thuê. Mới 3 giờ sáng, khi gà hàng xóm còn chưa gáy, chị Hiếu đã lục đục chuẩn bị cơm cho cả ngày ngoài đồng. Ngoài phần cơm, chị còn mang theo một cái liềm bén ngọt và mặc quần áo kín từ đầu đến chân để cắt lúa. Nhóm của chị Hiếu gồm 3 phụ nữ, trông ai cũng lam lũ vì suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có thâm niên làm nghề gặt lúa thuê đã hơn 20 năm, chị Hiếu kể: Từ hồi còn con gái, tôi đã theo cha, theo mẹ gặt lúa hết đồng nọ đến đồng kia. Hồi đó công việc nhiều, người làm cũng không ít. Suốt ngày quần quật, người gặt kẻ gánh nhưng nếu chậm trễ thì lập tức có nhóm khác thế chỗ ngay. Mình phải cần mẫn, có mối quan hệ tốt với chủ ruộng thì mùa sau họ mới gọi làm tiếp. Từ ngày máy gặt xuất hiện, công việc của những người gặt lúa thuê chỉ còn bó hẹp tại các mảnh ruộng trũng, ngập nước, lúa ngã hoặc ở những đồng xa, máy cơ giới không vào được. Việc ít đi nhưng không vì thế mà vất vả giảm theo.

 

Theo bà Trần Thị Dự, một người trong nhóm gặt lúa thuê ở xã Hòa Trị, cắt lúa ở ruộng ngập nước tốn thời gian, công sức hơn ở ruộng gò. Thông thường, 3 người cắt 1 sào lúa trong 1 buổi và còn thời gian nghỉ trưa để chiều làm tiếp. Còn khi gặp lúa ngã, mọi người phải làm qua trưa mới hết việc. Thêm vào đó, do cả ngày phải ngâm trong nước ruộng nên chân tay bị nước “ăn”, tối về đau nhức rất khó chịu. Hầu như ai làm công việc này cũng có sẵn thuốc trị tê nhức, lở loét chân tay để tối về xoa bóp để có thể tiếp tục làm những ngày sau. Riêng việc bị liềm cắt chảy máu, rắn nước cắn thì không đếm xuể. Cả ngày dãi dầm mưa nắng nhưng bữa cơm trưa của những người gặt lúa thuê thường rất đạm bạc, chỉ có cơm trắng, muối mè hoặc một ít cá kho mặn dằn bụng. Vậy mà ai nấy cũng ăn rất ngon miệng. “Chúng tôi là dân lao động chân tay, chỉ mong sao có được nhiều cơm ăn cho chắc bụng, còn thức ăn có ngon hay không cũng không thành vấn đề”, chị Hà Văn Minh, một người trong nhóm cắt lúa của bà Dự chia sẻ.

 

VẤT VẢ BÁM TRỤ

 

Ôm những bó lúa cuối cùng chất lên quang gánh cho chồng quảy đi, chị Hoàng Thị Ánh ở xã Hòa An (Phú Hòa) ngồi nghỉ bên bóng râm ven đường, ánh mắt mệt mỏi lộ ra sau nhiều lớp khẩu trang bám đầy bụi rơm. Cầm nón quạt những giọt mồ hôi ướt đẫm áo, chị Ánh chia sẻ: Bình thường, chồng tôi làm thợ hồ còn tôi đi theo phụ. Cứ đến mùa vụ, 2 vợ chồng lại cùng nhau đi gặt lúa thuê. Thế nhưng những năm gần đây, chủ ruộng chủ yếu thuê máy gặt, vừa nhanh vừa rẻ hơn phân nửa so với tiền công thuê người gặt. Vì vậy, những người làm công việc cắt lúa thuê như chúng tôi ngày càng ít đi. Mỗi vụ, chúng tôi chỉ làm được mươi ngày, nửa tháng nhưng đôi khi không có việc. Còn những mùa thời tiết không thuận lợi, trời mưa gió, lúa ngã đổ nhiều, chủ ruộng cần công, trả tiền cao thì có muốn cũng không có sức làm. Theo chị Ánh, trước đây, khi còn khỏe, mỗi vụ gặt lúa thuê, 2 vợ chồng chị có thể tích lũy được bằng 2 đến 3 tháng làm thợ hồ. Thế nhưng, gần đây, việc ngày càng ít, sức khỏe cũng không đảm bảo nên thu nhập giảm đáng kể.

 

Chị Bùi Thị Kim Hoàng ở xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) thì cho hay: Nghề gặt lúa thuê chỉ làm được theo mùa vụ, vất vả cực nhọc nhiều nhưng tiền công cũng khá nên tôi mới bám ruộng đến bây giờ. Hiện các chủ ruộng thuê người gặt lúa thường trả công theo kiểu khoán, mỗi sào (500m2) trả từ 300.000 đến 350.000 đồng tùy theo ruộng gần hay xa, dễ gặt hay khó gặt. Những người trong nhóm gặt lúa thuê sẽ tự chia tiền công. Mỗi ngày, một nhóm 3 người gặt được khoảng 2 sào lúa đổ, mỗi người được từ 200.000 đến 230.000 đồng, tính ra vẫn cao hơn công nhật nên ai cũng cố gắng. “Chỉ sợ không có việc để làm chứ nếu có thì tôi vẫn tiếp tục theo. Làm việc gì cũng phải bỏ sức, dù có vất vả nhưng kiếm được tiền cho con ăn học thì tôi cũng mừng”, chị Hoàng nói.

 

TRIỆU CAO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek