Năm 2013, chi phí cho 1 chuyến biển tăng mạnh trong khi giá cá ngừ giảm khiến nhiều ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) thấp thỏm mỗi chuyến ra khơi.
Do tình hình khai thác khó khăn, nhiều tàu khai thác cá ngừ ở phường 6 phải nằm bờ - Ảnh: T.HÀ
CÓ HỖ TRỢ, TÀU VẪN NẰM BỜ
Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về việc hỗ trợ xăng dầu cho các tàu khai thác trên các vùng biển xa nhưng hiện nay, nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở phường 6 (TP Tuy Hòa) vẫn không dám vươn khơi.
Chia sẻ về tình hình khai thác cá ngừ hiện nay, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 cho biết: “Tháng 3, 4, 5 âm lịch là thời gian biển êm nên làm ăn rất dễ. Đến tháng 6, 7 phần vì gió Tây Nam thổi mạnh; phần vì các tàu cần làm nước nên phải tu bổ. Thông thường, tháng 8 hằng năm, khi mọi việc đã chuẩn bị xong cũng là lúc ngư dân chuẩn bị vào vụ khai thác mới. Năm nay, đã gần cuối tháng 8 rồi mà tàu nằm bờ còn rất nhiều, chỉ có 4 tàu ra khơi/198 tàu đánh bắt xa bờ ở phường 6. Tàu chưa vươn khơi vì nhiều lý do. Trong đó, lý do chính là chi phí cho chuyến biển không ngừng tăng lên trong khi giá cá ngừ liên tục giảm”.
Hiện tại, mỗi chuyến đi, ngư dân phải khai thác từ 1,5 đến 2 tấn cá (với giá cá 150.000 đến 160.000 đồng/kg) mới đủ tổn (chi phí cho chuyến đi); 3 tấn trở lên mới lãi. Nhưng trên thực tế, đã có tàu đi 20 ngày rồi mà chỉ câu được 2 con cá. Trong khi đó, giá dầu năm nay tăng thêm 400 đồng/lít, đá tăng 2.000 đồng/cây, các nhu yếu phẩm tăng giá đồng loạt nhưng giá cá lại không ngừng sụt giảm: Từ 190.000 đồng/kg giảm còn 115.000 đồng/kg, và hiện giờ là 120.000 đồng/kg. Người có tàu thì còn cố gắng để duy trì công việc; còn những người đi bạn sau nhiều chuyến biển về tay không đã tìm đến những công việc khác. Người thì vào Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Khánh Hòa đánh bắt cá; người thì lên Gia Lai, Đắk Lắk hái cà phê thuê, phụ hồ, chặt mía… nên đến lúc tàu chuẩn bị đi đánh bắt thì thiếu công lao động.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, chủ tàu PY 96363 TS và PY 93232 TS cho biết, đầu mùa, ông cho 2 tàu xuất bến, được hỗ trợ 50 triệu đồng tiền dầu nhưng đều lỗ, ông phải đi làm thợ hồ. Đến nay, ông Hiệp mới chuẩn bị cho chuyến biển mới nhưng ngồi đợi cả buổi sáng vẫn không thấy bạn đến như đã hẹn. Ông chặc lưỡi: “Tôi phải cho người ta mượn trước 2 triệu đồng, họ mới nhận lời, vậy mà giờ vẫn không thấy người đâu. Nhiều chuyến biển về tay không nên chắc họ “trốn” rồi”.
KHÓ NHƯNG KHÔNG BỎ NGHỀ
Ông Phan Thuẫn chia sẻ: “Chúng tôi luôn ý thức vươn khơi một phần là để mưu sinh nhưng còn để bảo vệ vùng biển của nước mình, nên có khó mấy cũng phải theo nghề. Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân chúng tôi như vậy là tốt rồi, chỉ mong sao giá cá tăng lên một chút để chúng tôi tự tin bám biển”.
Chi phí cho một chuyến biển hiện nay ở mức từ 190 đến 200 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ cho người dân là 30 triệu đồng cho 1 tàu có công suất từ 150 đến 250CV. Có thể nói, mức hỗ trợ này là không nhỏ, nhưng do tình hình khai thác khó khăn, nhiều chủ tàu vẫn phải cân nhắc kỹ trước khi vươn khơi.
Ông Nguyễn Bông (ở phường 6, TP Tuy Hòa) vừa trở về sau chuyến biển dài 40 ngày cho biết: “Hơn 1 tháng trời lênh đênh trên biển, làm việc vất vả nhưng câu không có cá; Nhà nước đã hỗ trợ mà tôi vẫn bị lỗ hơn 70 triệu đồng. Nhưng người làng biển như chúng tôi không làm biển thì làm gì… Bây giờ, gia đình tôi đang chuẩn bị dụng cụ cho chuyến biển tiếp theo, chỉ mong chuyến này câu được nhiều cá hơn để bù vào chuyến trước”.
Người đi biển sống bằng nghề biển khó khăn đã đành, cả những người làm nghề không liên quan đến biển cũng sống phụ thuộc vào nó. Đó là những người xích lô, ba gác; những cơ sở sản xuất đá; những cây xăng dầu chuyên cung cấp dầu cho các chuyến biển và cả những người buôn bán hàng hóa. Ông Bông nói: “Chưa kể đến những cái lớn như xăng dầu, thịt cá, gạo, mắm, muối, thuốc men… chỉ tính ớt trái thôi, mỗi chuyến biển tàu nào cũng mua 6kg. Còn các loại rau, củ, quả… thì phải nhiều hơn thế”. Ông Sơn, chủ cây xăng dầu Thu Vân ở Cảng cá Phường 6 nói như than: “Cây xăng mở ở cảng chủ yếu bán cho các tàu đi biển. Năm nay, doanh thu chỉ bằng 1/3 so với thời điểm này năm ngoái. Còn 3 đến 4 cơ sở thu mua cá thì im lìm từ sau tết đến giờ. Tàu mà khó chúng tôi cũng khó theo”.
Để giải quyết phần nào những khó khăn, nhiều tàu ở phường 6 giờ kết hợp câu cá ngừ đại dương với cá nhám. “Nghề thì chúng tôi không bỏ, nhưng cá ngừ nay ít lắm rồi, trông vào nó thì không được nên phải chuyển sang câu những loại khác. Giá cá nhám bây giờ cũng được, nên cũng gỡ gạc lại phần nào. Chỉ mong giá cá ngừ tăng lên để những chuyến ra khơi đỡ phải chịu áp lực”, ông Bông bộc bạch.
THÁI HÀ