“Sống cùng bà con ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ, hiểu những gian nguy mà họ phải thường xuyên đối diện giữa biển khơi, nên chúng tôi trăn trở tìm kiếm những giải pháp nhằm hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân” - Trung tá Đào Nhật Lệ, Đồn trưởng đồn biên phòng 352, mở đầu câu chuyện về các hoạt động của đồn nhằm trợ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ trên đường làm ăn.
Hội nghị gặp mặt ngư dân tham gia tàu thuyền an toàn đồn 352.
Phú Yên có trên 800 tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì đồn 352 quản lý đến 667 chiếc. Sự xuất hiện khá sớm của nghề đánh bắt xa bờ cùng với những nỗ lực của bà con ngư dân trong những chuyến vươn khơi xa đã tạo ra những thay đổi lớn lao trên bộ mặt làng xóm cũng như trong cuộc sống của người dân ở vùng ven biển TP Tuy Hòa trong thời gian qua.
Trung tá Đoàn Anh Lự, Chính trị viên đồn 352 kể: Năm 1998, tàu xa bờ ở TP Tuy Hòa chỉ có hơn 100 chiếc. Song đến nay, 98% ngư dân trên địa bàn đều cải hoán hay đóng mới tàu thuyền để chuyển theo ngành nghề đánh bắt xa bờ. Nhờ mấy năm biển thật “no”, làm nghề có được thu nhập khá, bà con trong khu phố đã sửa sang lại nhà cửa, sắm tivi, tủ lạnh, xe máy. Có tiền, nhiều gia đình bắt đầu chú trọng lo cho con ăn học. Mọi người còn đóng góp tiền để bê tông hóa các con đường trong khu phố, sửa chữa lăng miếu, chùa chiền.
Đó là tất cả những gì có được sau những chuyến tàu trở về bến bình an. Phía sau những câu chuyện vui ấy là những bất trắc gian nguy trên con đường làm ăn ở biển xa, là nỗi đau khó quên của những ngư dân mà không phải ai cũng biết.
Lão ngư Nguyễn Chí Long hồi tưởng lại: Năm 2000, trong chuyến hạ thủy ra khơi đầu tiên, chiếc tàu mới đóng của ông Nguyễn Văn Vĩnh ở Đông Tác đã bị bão số 3 đập vỡ tan tành ngoài khơi. Đứa con trai của ông Vĩnh làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân Đông Tác đi bạn trên tàu đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương sau khi phát tín hiệu cứu nạn đến các phương tiện xung quanh, nhưng không được sự trợ giúp nào.
Trung tá Đào Nhật Lệ cho biết: “Là lực lượng trực tiếp quản lý hoạt động của phần lớn các phương tiện đánh bắt xa bờ trong tỉnh, mỗi năm đơn vị tiếp nhận không ít thông tin về những vụ việc đau lòng, những tai nạn thương tâm trên những chuyến tàu xa bờ của bà con ngư dân trên địa bàn. Những người lính biên phòng nghĩ: cần có một máy đàm thoại liên lạc với các phương tiện xa bờ để tiếp nhận, chuyển phát thông tin, nắm bắt để có cách xử lý mọi sự cố xảy ra trên biển xa. Cuối năm 2003, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh trang bị máy đàm thoại ICom đặt tại Trạm kiểm soát phường 6. Ngay sau đó, cán bộ chiến sĩ đồn 352 đã triển khai, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc trong việc tổ chức cứu nạn cho phương tiện của ngư dân Nguyễn Ứng và hàng loạt tàu thuyền bị nạn, khiến bà con vô cùng vui mừng, cảm kích. Đồn trưởng Đào Nhật Lệ nói: Chứng kiến những nỗi đau, mất mát do tai nạn của các phương tiện xa bờ, cán bộ, chiến sĩ của Đồn càng nỗ lực để có thể giúp bà con vượt qua hoạn nạn. Khi có tin tai nạn đang xảy ra trên biển, thì bất kể ngày đêm, anh em túc trực bên máy đàm thoại 24/24 để liên lạc. Sau đó sẽ vận động cho được các phương tiện đang đánh bắt ở ngư trường gần đó đến cứu giúp. Một trong những giải pháp tích cực là tư vấn sửa chữa máy móc của phương tiện từ trong bờ thông qua hệ thống đàm thoại. Trung tá Đoàn Anh Lự cho biết: Đồn đã hợp đồng với anh Lê Văn Mười, thợ chuyên sửa chữa máy thủy để khi có sự cố, qua đàm thoại anh hướng dẫn ngư dân cách khắc phục. Nếu ngư dân không tự làm được, đồn sẽ tổ chức đưa thợ máy đến để sửa chữa. Sáng kiến này đã giúp hàng trăm ngư dân đánh bắt xa bờ trên địa bàn đơn vị quản lý giảm được những thiệt hại về tài sản cũng như thoát khỏi hiểm họa do sự cố tàu thuyền hỏng hóc.
Cùng với việc triển khai sử dụng tốt hệ thống thông tin liên lạc để giúp dân, việc tổ chức những đội tàu thuyền an toàn, xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng để bà con ngư dân gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn đã được đơn vị đặc biệt chú trọng. Sau những nỗ lực tuyên truyền vận động tích cực của đội ngũ cán bộ tại các địa bàn, đến nay đơn vị đã thành lập được 18 tổ tàu thuyền an toàn với trên 133 phương tiện, vận động 78 dòng họ với 1988 hộ gia đình tham gia bảo vệ an ninh thôn xóm khu vực ven biển. Những mô hình này đã phát huy tác dụng cứu hộ cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, trong thôn xóm. Năm vừa qua, đồn biên phòng 352 đã tổ chức các phương tiện cứu nạn cho 55 ngư dân trên 7 phương tiện bị nạn ngoài biển xa, cứu hộ lai dắt 128 tàu thuyền bị hỏng hóc trôi dạt vào bờ, dùng hệ thống đàm thoại vận động trên 4000 lượt tàu thuyền vào nơi tránh bão.
“Đồn chính là điểm tựa vững vàng của bà con chúng tôi những khi khó khăn hay gặp bất trắc“ - anh Nguyễn Tia, khu phố phó khu phố 6, phường Phú Lâm cảm kích nói. Có ý thức trách nhiệm, tấm lòng thực sự lo cho dân, các anh xứng đáng với niềm tin, tình yêu mà nhân dân trên địa bàn dành cho, xứng đáng là những người lính của một đơn vị nhiều năm liền là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của Bộ đội Biên phòng tỉnh.
PHƯƠNG OANH