Ngành DS-KHHGĐ Phú Yên vừa hoàn thành 2 đợt chiến dịch Chăm sóc Sức khỏe sinh sản/ Kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ, gọi tắt là chiến dịch) năm 2013. Chiến dịch được thực hiện trên 112 xã, phường, thị trấn, đạt 100% kế hoạch đề ra. Kết quả này là nỗ lực của Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh và toàn ngành trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch đề ra.
Phụ nữ huyện Sông Hinh làm thủ tục khám sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện trong đợt 1 chiến dịch năm 2013 - Ảnh: D.ANH
Chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ thực hiện 3 gói dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh, gồm: Phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, làm mẹ an toàn và KHHGĐ. Theo đó, ở gói dịch vụ thứ nhất có 29.500 phụ nữ được khám phụ khoa, đạt 98%, hơn 12.000 phụ nữ được điều trị bệnh, đạt 41% kế hoạch đề ra. Ở gói KHHGĐ, có hơn 3.300 chị em sử dụng biện pháp tránh thai đặt vòng, đạt 76%; 216 ca thực hiện biện pháp đình sản, đạt 112%; hơn 4.800 phụ nữ sử dụng biện pháp tiêm thuốc tránh thai, đạt 210% theo kế hoạch đề ra...
Huyện Sông Hinh là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, địa phương này thành công trong việc vận động chị em sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng vốn ít được người dân chọn lựa trước đây. Đơn cử như, biện pháp đình sản có 25 ca, đạt 278%; 27 trường hợp thực hiện biện pháp thuốc cấy tránh thai, đạt 112%; 4.800 chị em sử dụng biện pháp tiêm thuốc tránh thai, đạt 217% so với kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh cho biết: “Chiến dịch diễn ra thành công là nhờ UBND huyện Sông Hinh đã đầu tư thêm kinh phí, cùng với kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia trong công tác dân số nên chiến dịch được mở rộng và thực hiện nhiều đợt khám phụ khoa, điều trị và cấp phát thuốc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở đã không ngại khó, đến tận nhà nhắc nhở, vận động, nhất là các chị ở cách xa trung tâm, đã góp phần mang lại thành công cho chiến dịch trên địa bàn huyện”. Ngoài huyện Sông Hinh, các địa phương khác như huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Tây Hòa cũng hoàn thành hầu hết các mục tiêu của chiến dịch đặt ra.
Theo bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, một trong những yếu tố giúp chiến dịch thành công là công tác truyền thông. Thông qua kênh truyền thông tại địa bàn (đài truyền thanh xã) và các phương tiện thông tin đại chúng khác… đã đưa thông tin của chiến dịch đến cộng đồng. Các hoạt động truyền thông trực tiếp được chú trọng trong chiến dịch như: tư vấn trực tiếp cho các đối tượng tại điểm cung cấp dịch vụ, vận động tư vấn tại gia đình trước chiến dịch. Các sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, tài liệu về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được in và phát cho các đối tượng. Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn treo pano, khẩu hiệu, dán áp phích ở các điểm tập trung đông dân. Năm 2013, nhiều địa phương đã thực hiện việc lồng ghép các thông điệp về nâng cao chất lượng dân số như các chuyên đề về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân vào tuyên truyền, vận động trong chiến dịch.
Trong khi các huyện đều hoàn thành tốt kế hoạch của chiến dịch thì 2 địa phương TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu vẫn còn một số chỉ tiêu trong các gói dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn chiến dịch đợt 3 nằm trong Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển, đây là thời gian để các địa phương này hoàn thành mục tiêu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết một số phụ nữ trên địa bàn TP Tuy Hòa không hoặc ít tham gia các dịch vụ trong chiến dịch là vì thời gian diễn ra chiến dịch có thể trùng với thời gian các chị em làm việc. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế khá giả cho phép họ sử dụng các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế khác. Hơn nữa, kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đầu tư cho các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiết nghĩ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nên tăng cường khảo sát để tìm hiểu nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em trên các địa bàn dân cư để có hướng đầu tư, triển khai chiến dịch một cách hiệu quả, tránh dàn trải.
DIỆU ANH