Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử những cán bộ đầu ngành, các chuyên gia đi giám sát thực tế việc triển khai các công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Tại Phú Yên, công việc này do Phó phân viện trưởng Phân viện Thú y miền Trung Phạm Hùng đảm trách. Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Hùng nhận định:
Phó phân viện trưởng Phân viện Thú y miền Trung Phạm Hùng
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp. Hiện toàn quốc còn 4 tỉnh có dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) tái phát, trong đó có Phú Yên. Nguyên nhân các ổ dịch liên tục bùng phát trong thời gian qua chủ yếu vẫn là do việc vận chuyển gia súc qua lại giữa các vùng mà chưa qua kiểm dịch động vật; một phần khác là bởi một số gia súc chưa được tiêm phòng trong năm 2006.
Từ mồng 1 tết Đinh Hợi (17/2/2007) đến nay toàn tỉnh đã có 7 ổ bệnh LMLM tái phát, tổng số gia súc phát bệnh mới là 76 con. Như vậy, từ 25/10/2006 đến nay, toàn tỉnh đã có 232 con heo bị mắc bệnh LMLM cùng với 7 con nhiễm bệnh đều đã được tiêu huỷ. Tổng số trâu bò bị mắc bệnh là 125 con, trong đó hiện vẫn còn 69 con đang được cách ly điều trị.
Tuy nhiên, Phú Yên đã có những phản ứng rất nhanh trước tình hình dịch bệnh. Về điều trị bệnh LMLM trên trâu, bò, ông Hùng cho biết chỉ có thể chữa khỏi về triệu chứng lâm sàng, virút nên khả năng lây lan bệnh vẫn còn. Đối với những trường hợp này, nhất thiết phải có thời gian cách ly để trừ mầm bệnh triệt để. Hiện Phân viện Thú y miền Trung đã đề nghị Bộ NN&PTNT tiến hành tiêm phòng khép kín trên phạm vi cả nước vì khả năng kháng bệnh của cá thể có hiệu lực cao trong vòng chỉ 4 tháng sau tiêm. Theo ông Hùng, để khống chế hiệu quả dịch bệnh, ngoài những biện pháp đã được thực hiện, Phú Yên cần kiểm soát kỹ đầu ra của gia súc và thịt gia súc theo cách “trăm sông cũng đổ ra biển”.
Ông Hùng cho biết thêm: Cục Thú y đã cử đoàn sang làm việc với các ngành chức năng của Liên bang Nga về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng dịch LMLM. Hiện, đoàn đàm phán đã có những thoả thuận ban đầu. Dự kiến, VN có thể được chuyển giao công nghệ này trong năm và có thể chủ động được nguồn vắc xin, có như vậy việc phòng dịch sẽ được thực hiện dễ dàng hơn. Cục Thú y cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT mở rộng đối tượng gia súc trong diện tiêm phòng trong năm 2007.
LY KHA (ghi)