Hội thi được tổ chức tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh đã mang đến không khí phấn khích cho người xem với sự đua tài sôi nổi, căng thẳng, hồi hộp của 16 thí sinh đại diện 48 công đoàn cơ sở trực thuộc.
Tiểu phẩm “Một ngày nơi công sở” của Khối Văn hóa - Báo chí - Nội chính trong phần thi chào hỏi - Ảnh: N.HÂN
Hội thi chia làm 4 đội thuộc các khối Văn hóa - Báo chí - Nội chính, Sở - Ngành, Đảng - Đoàn thể, Chính quyền. Các đội trải qua 4 phần thi chính: Chào hỏi, trắc nghiệm, thuyết trình và năng khiếu tập trung các nội dung tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật BHXH, Quy tắc ứng xử của CBCCVC…
Ở phần thi chào hỏi, cách thức trình diễn và kịch bản của từng tiểu phẩm gắn với nội dung Chỉ thị 23 của Tỉnh ủy như vẫn còn một số cán bộ, đoàn viên vi phạm giờ giấc làm việc; một bộ phận CBCCVC uống rượu bia trong giờ làm việc, hút thuốc không đúng nơi quy định; phê phán những người có thái độ làm việc chểnh mảng, tùy tiện… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Còn ở phần thi thuyết trình và trắc nghiệm, các thí sinh đã thể hiện năng lực của tuyên truyền viên giỏi, hiểu biết sâu sắc về kiến thức Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010… đề ra nhiều giải pháp, liên hệ thực tế tại đơn vị với lối diễn xuất nhẹ nhàng, tự nhiên thu hút người xem. Tiêu biểu như thí sinh Trần Cẩm Dân (Khối Văn hóa - Báo chí - Nội chính), Đinh Tấn Lực (Khối Chính quyền), Nguyễn Mỹ Chi (Khối Đảng - Đoàn thể). Các phần thi đều mang đến thông điệp hãy nâng cao trách nhiệm của từng CBCCVC trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Trong suốt hội thi, khán giả không khỏi ngạc nhiên vì sự chuẩn bị chu đáo của các đội dành cho phần thi của mình. Thí sinh Trần Cẩm Dân (Khối Văn hóa - Báo Chí - Nội chính) vui vẻ cho biết: “Để hoàn thành tốt phần thi của cả đội, chúng tôi dành nhiều thời gian để tập luyện. Các thành viên đều là cán bộ, công chức nên thời gian làm việc đã chiếm hết ngày. Vì vậy phải tranh thủ lúc nghỉ trưa hay tan sở để tập trung tập luyện. Tuy thời gian tập luyện có hạn, nhưng mọi người đều cố gắng hết sức bởi ai cũng mong muốn qua hội thi này, không chỉ nâng cao kiến thức về các quy định của pháp luật hiện hành cho CBCCVC mà còn đánh động vào ý thức chấp hành, quy tắc ứng xử của mỗi đoàn viên công đoàn tại đơn vị mình”. Nhiều tiểu phẩm được dàn dựng công phu, đạo cụ, trang phục được đầu tư kỹ lưỡng như tiểu phẩm “Một ngày nơi công sở” của công đoàn khối Văn hóa - Báo chí - Nội chính. Khán giả bật cười sảng khoái vì sự điệu đàng, chểnh mảng công việc của cô nhân viên Hồng Đào, luôn viện đủ lý do để trốn tránh nhiệm vụ được giao, suốt ngày chỉ biết làm đẹp… Một số tiểu phẩm đã sáng tạo khi sử dụng làn điệu dân ca Nam Bộ, vè, bài chòi…. để thể hiện lời thoại của diễn viên, tăng thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Anh Lê Văn Tưởng, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cho biết: “Lúc đầu tôi định cổ vũ cho người quen, nhưng thấy đội nào thi cũng hay nên cuối cùng cứ hoan hô hết. Theo tôi, hội thi này rất thiết thực và bổ ích, vừa mang tính giáo dục cao vừa kích thích khán giả cùng suy nghĩ. Khi các đội thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm về các quy định của pháp luật về Luật Cán bộ, công chức, tôi cũng suy nghĩ tìm câu trả lời cho riêng mình. Nhờ đó, tôi cũng hiểu thêm về các quy tắc ứng xử của CBCCVC”.
Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết: “Hội thi là một hoạt động hết sức có ý nghĩa nhằm tuyên truyền phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến CBCCVC. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên công đoàn. Nhìn chung, chất lượng của các đội dự thi đều đạt trên yêu cầu, một số thí sinh có kỹ năng tốt, tạo được ấn tượng cho người xem qua phần thi của mình. Mong rằng sau hội thi, các công đoàn cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cho cán bộ, đoàn viên nắm bắt và thực hiện tốt hơn”.
NGỌC HÂN