Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, mỗi gia đình ở Phú Yên hiện nay không vượt quá 2 con, góp phần ổn định quy mô dân số. Mặc dù, đa số người dân đều hiểu biết về Pháp lệnh Dân số nhưng việc thực hiện đúng theo quy định của Pháp lệnh Dân số vẫn còn là bài toán nan giải của ngành Dân số Phú Yên. Và truyền thông chuyển đổi hành vi vẫn là yếu tố quyết định giúp người dân chấp hành tốt quy định của Pháp lệnh Dân số.
Hội thi Tuyên truyền viên dân số - KHHGĐ tỉnh Phú Yên năm 2012 nhằm tôn vinh tuyên truyền viên dân số cơ sở - Ảnh: T.DIỆU
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định: Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con để ổn định quy mô dân số; đảm bảo cơ cấu dân số, phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Đây là mục tiêu ưu tiên trong công tác vận động tuyên truyền của ngành Dân số Phú Yên trong thời gian qua.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đều hiểu đúng từng điều khoản quy định trong Pháp lệnh Dân số. Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi), nam giới, người cao tuổi được xem là nhóm đối tượng đích trong công tác vận động kế hoạch hóa gia đình đều hiểu đúng những nội dung cơ bản trong Pháp lệnh Dân số. Vì thế đến năm 2013, Phú Yên đã đạt mức sinh thay thế 1,96 con. Đây được xem là thành công nổi bật nhất ghi nhận nỗ lực của cán bộ Dân số Phú Yên trong thời gian qua.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, những chỉ tiêu cơ bản về công tác DS-KHHGĐ Phú Yên 10 năm qua đạt được như: tỉ suất chết mẹ đã giảm 10 người (từ 80 người còn 70 người/100.000 trẻ sinh ra); tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm một nửa (32%o còn 16%o); tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm 15%o (39%o còn 24%o); tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 15% (32% còn 17%); tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng 6% và đạt mức 74%... chứng tỏ công tác dân số đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Dự án Nâng cao chất lượng giống nòi Phú Yên giai đoạn 2011-2015 gồm 5 đề án: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Nâng cao chất lượng đồng bào dân tộc thiểu số; Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng đã triển khai, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, gần 1.200 thai phụ (8,8% phụ nữ mang thai) đã được sàng lọc trước sinh; 820 trẻ sơ sinh được sàng lọc (6% tổng số trẻ sinh ra sống). 42 CLB Cha mẹ và vị thành niên, thanh niên về Sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục đã được thành lập đạt 320% chỉ tiêu Trung ương giao. 94 xã, phường, thị trấn được triển khai đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đạt 100% kế hoạch. Tại 5 xã ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai đề án Nâng cao chất lượng đồng bào dân tộc thiểu số. 18 CLB Người cao tuổi được thành lập đạt 300% kế hoạch Trung ương giao.
Những kết quả tích cực bước đầu này chứng tỏ dự án Nâng cao chất lượng giống nòi đã được triển khai sâu rộng, tích cực góp phần nâng cao chất lượng dân số Phú Yên.
NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN SỐ CẤP BÁCH
Vấn đề phụ cấp cho cán bộ dân số cấp xã, lực lượng quan trọng quyết định thành công trong công tác DS-KHHGĐ cơ sở vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo địa phương. Với mức phụ cấp quá thấp 0,9 mức lương cơ bản nhưng phải kiêm nhiệm 3 nhiệm vụ dân số, gia đình, trẻ em dẫn đến tồn tại tình trạng cán bộ dân số chểnh mảng hoặc bỏ việc, dẫn đến giảm hiệu quả công việc, gây khó khăn trong công tác quản lý. Ông Trần Thơ Ấu, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, mỗi tháng UBND huyện Sông Hinh hỗ trợ thêm cho lực lượng cộng tác viên dân số trên địa bàn huyện 30.000 đồng/người. Nhưng để đội ngũ này sớm ổn định, tỉnh cần có chế độ nâng phụ cấp cho cán bộ dân số xã.
Ngành Dân số Phú Yên vẫn đứng trước các thử thách trong việc nâng cao chất lượng dân số. Hiện tỉ số giới tính khi sinh ở Phú Yên là 113,5 bé trai/100 bé gái, trong khi đó tỉ số giới tính lý tưởng của Việt Nam là 103-107 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch giới tính này phần lớn do lựa chọn giới tính thai nhi xuất phát từ quan điểm trọng nam khinh nữ. Hay như với 9,9% người cao tuổi, Phú Yên đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng và tiến nhanh đến giai đoạn “già hóa dân số” nhưng tỉnh vẫn chưa có chính sách, sự quan tâm đúng mức dành cho người già. Mặt khác, ngành Dân số tỉnh chỉ vừa manh nha thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân cho số ít học sinh THPT trên địa bàn tỉnh mặc dù đề án đã đi được nửa đoạn đường. Đề án tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nhằm quan tâm chuẩn bị kiến thức toàn diện cho nhóm sắp kết hôn chưa có kết quả khả quan.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nha, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thông qua truyền thông cộng đồng, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tư vấn tại nhà, truyền thông thông qua hình thức sân khấu hóa và truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, công tác DS-KHHGĐ Phú Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Truyền thông chuyển đổi hành vi vẫn là yếu tố quyết định góp phần giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng dân số cấp bách hiện nay. Nếu UBND tỉnh và Tổng cục Dân số tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đặc biệt là trong công tác truyền thông thì những vấn đề nâng cao chất lượng dân số Phú Yên sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.
DIỆU ANH