Những năm qua, Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên (CĐKKT) đã vận động các doanh nghiệp phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Khi tổ chức công đoàn đi vào hoạt động đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nhiều phong trào thi đua đã triển khai mạnh mẽ.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
Hiện nay, tại 3 khu công nghiệp (KCN) có 28 trong tổng số 54 doanh nghiệp, có tổ chức công đoàn, chiếm tỉ lệ 51,8%. Đây là kết quả đáng phấn khởi trong công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Trong năm 2013, Công ty TNHH Hoàng Long Vina, DNTN Hồng Ngọc (KCN Hòa Hiệp)… thành lập CĐCS và kết nạp 430 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên công đoàn làm việc tại các KCN lên 2.296 người.
Ông Tô Văn Khải, Phó chủ tịch CĐKKT, cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp liên hệ với CĐKKT tỉnh để được hướng dẫn cách thức tuyên truyền đến công nhân viên chức lao động và các thủ tục kết nạp đoàn viên vào tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn, Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty TNHH Minh Toàn (KCN Đông Bắc Sông Cầu), Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành (KCN Hòa Hiệp)… Trong số này, Công ty TNHH Minh Toàn đã chủ động xin thành lập công đoàn ngay sau khi đi vào hoạt động”.
Sau 4 năm từ khi thành lập, với chức năng, nhiệm vụ được giao, CĐKKT tỉnh đã từng bước củng cố các mặt hoạt động và phong trào CNLĐ. Đặc biệt là công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức công đoàn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, CĐKKT còn chú trọng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho các doanh nghiệp có tổ chức đảng để theo dõi, giúp đỡ kết nạp Đảng. Kết quả, hơn 4 năm qua, CĐKKT đã vận động kết nạp 2.493 đoàn viên, thành lập 16 CĐCS, giới thiệu 69 đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng xem xét và đã kết nạp 25 đoàn viên ưu tú vào Đảng. Hàng năm số CĐCS đạt vững mạnh trên 70% và CĐCS đạt vững mạnh xuất sắc trên 35%.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tại 3 KCN, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Mức thu nhập bình quân của người lao động 2,8 triệu đồng/tháng. Ban chấp hành các CĐCS đã phối hợp tốt với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương, xét nâng lương, nâng định mức khoáng sản phẩm, xét khen thưởng kịp thời cho CNVC-LĐ. Ngoài ra, CĐCS các doanh nghiệp thành lập “tổ tư vấn pháp luật” để tư vấn pháp luật cho người lao động, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo niềm tin, sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp. Các CĐCS đứng ra tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, Luật Lao động, Luật Công đoàn sửa đổi, tổ chức khám bệnh, khám sức khỏe sinh sản, cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động; tổ chức các lớp truyền thông về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trong CNVC-LĐ hay thi bóng chuyền, cắm hoa, nấu ăn vào các ngày lễ trong năm… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xã hội, từ thiện như vận động đóng góp xây nhà “Mái ấm đoàn kết”, đóng góp Quỹ Mái ấm công đoàn, đóng góp cho hộ nghèo, ủng hộ các trường hợp CNCV-LĐ gặp khó khăn, bệnh hiểm nghèo… cũng được các CĐCS triển khai, tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa tổ chức công đoàn với người lao động và chủ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành, cho biết: “Công nhân của công ty hầu hết là lao động nông thôn. Do chưa quen với lao động công nghiệp, sản xuất theo dây chuyền nên hay xảy ra những hiểu lầm không đáng có về quyền lợi. Thực tế, sau khi thành lập CĐCS và chia thành 12 tổ công đoàn, các tổ công đoàn đã góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Công đoàn đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất”.
Đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đoàn viên công đoàn làm việc tại các doanh nghiệp ở 3 KCN trong tỉnh được công nhận, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1 tỉ đồng. Tiêu biểu như CĐCS Ban quản lý Khu kinh tế 21 đề tài, CĐCS Công ty Bia và nước giải khát Phú Yên 15 đề tài, CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp SemCo Phú Yên 5 đề tài. Bà Trần Ngọc Tú Trinh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp SemCo Phú Yên cho biết: “Từ khi thành lập CĐCS, phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất tại đơn vị được phát động rầm rộ. Hàng năm, công ty có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất. Mỗi năm, người lao động tiết kiệm cho công ty hơn 600 triệu đồng”.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc thành lập, phát triển CĐCS còn khiêm tốn. Trong số này, có không ít đơn vị sau khi thành lập CĐCS chỉ hoạt động chiếu lệ, chưa phát huy hiệu quả. Đa số cán bộ công đoàn là công nhân lao động, làm việc kiêm nhiệm, bận công tác sản xuất kinh doanh nên thời gian đầu tư cho công tác công đoàn bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp thành lập công đoàn chỉ nhằm mục đích đối phó. Công đoàn Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phú Yên (KCN An Phú) là một ví dụ. Hơn 1 năm thành lập nhưng CĐCS công ty này vẫn không thu được đoàn phí công đoàn, chưa có hoạt động gì quan tâm đến quyền lợi người lao động nên người lao động không mấy tha thiết khi vào tổ chức công đoàn.
Ông Tô Quang Khải, Phó chủ tịch CĐKKT Phú Yên, cho biết: “Công tác vận động thành lập CĐCS đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là có không ít chủ doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về vai trò của tổ chức công đoàn, do đó không mặn mà trong việc tạo điều kiện để công đoàn hoạt động theo đúng nghĩa. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi vừa làm công tác vận động lãnh đạo công ty, vừa tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của công nhân lao động để phát triển đoàn viên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật”.
NGỌC HÂN