Thứ Hai, 25/11/2024 23:24 CH
Cuốc dặm lúa góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân
Thứ Sáu, 06/09/2013 14:00 CH

Những năm gần đây, cây cuốc dặm lúa (nhiều nơi gọi là cây cuốc chỉa) được người nông dân trong tỉnh sử dụng rộng rãi và được xem như công cụ cấy dặm hiệu quả. Nguồn gốc, xuất xứ của loại cuốc này đến nay vẫn chưa ai biết chính xác, nhưng có điều chắc chắn rằng đó là một “sáng kiến lớn” của người nông dân, đã mang lại hiệu quả cho chính họ một cách rõ ràng.

 

lua130906.jpg

Sử dụng cuốc dặm lúa góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân - Ảnh: H.NAM

CÂY CUỐC CHỈA TRỞ THÀNH DỤNG CỤ DẶM LÚA

 

Ngày nay, người nông dân làm lúa nước có sự giúp sức, giải phóng sức lao động đáng kể bởi sự ra đời của máy cày (thay cho con trâu), máy sạ hàng (thay cho việc sạ tay), máy gặt đập liên hợp (thay cho máy cắt và máy tuốt lúa), thế nhưng khâu vá dặm lúa thì chịu. Chưa có loại máy móc nào thay thế cách làm thủ công truyền thống cho công việc hết sức cực nhọc này. Những người phụ nữ vẫn phải cúi gập người để nhổ và cấy mạ; những bàn tay rát bỏng, chai sần vì nhổ lúa và lưng mỏi nhừ sau một ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuy vậy, hiệu quả đạt được không cao. Có thời gian, người nông dân được giới thiệu phương pháp “mạ ném”, tức là ném cả những cây mạ nguyên gốc dính đất vào những chỗ trống trên ruộng. Tuy nhiên, phương pháp này không được phổ biến bởi có nhiều nhược điểm, hạn chế.

 

Công cụ cấy dặm ra đời cách đây chưa đến 10 năm và phổ biến ở Phú Yên vài năm trở lại đây mà người nông dân vẫn gọi là cây cuốc dặm lúa. Cuốc dặm lúa có cấu tạo đơn giản, giống như cây cuốc chỉa thu nhỏ, cán cầm dài chừng 2m. Lưỡi cuốc dặm làm bằng thép cứng có ba chia, đầu mỗi chia vừa nhọn, vừa hơi dẹp ở mũi giúp cho việc cuốc các cây mạ để dặm được dễ dàng. Công cụ này được bán nhiều nơi ở tỉnh Hậu Giang, Quảng Nam… giá chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng. Phổ biến ở nhiều nơi, nhưng phải đến năm 2004, thông tin về cây cuốc chỉa mới được ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm và Thủy sản (lúc còn công tác ở Sở NN-PTNT tỉnh) tiếp nhận. Ông Duyên kể: “Năm 2004, một người bạn ở Quảng Nam cho biết người dân nơi đây đang sử dụng phổ biến một loại cuốc có thể giúp cho việc dặm lúa dễ dàng hơn. Dựa vào miêu tả ấy, tôi phác thảo loại cuốc chỉa có 3 đầu nhọn cho công việc dặm lúa trên giấy rồi nhờ thợ rèn làm theo hình mẫu. Những cây cuốc ban đầu rất nặng nề nhưng sau 3 lần cải tiến đã trở nên vừa tay, rất hữu ích trong việc dặm lúa”.

 

Khi sản phẩm cuốc dặm lúa đã hoàn thiện, ông Duyên mang giới thiệu tại các hội thảo do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên tổ chức và tặng cuốc cho một số người dân dùng thử. Ban đầu, nhiều người còn e dè nên không nhận và vẫn làm theo cách làm cũ, nhưng sau một thời gian, thấy hiệu quả, nên ngày càng có nhiều người sử dụng. Hiện tại, cây cuốc chỉa đã trở thành dụng cụ cấy dặm phổ biến trên đồng ruộng mà chưa có máy móc nào thay thế.

 

BẠN CỦA NHÀ NÔNG

 

Bà Nguyễn Thị Bông (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) cho biết: “Ban đầu, một vài người dùng thử cuốc chỉa để dặm lúa, nhưng thấy không quen tay lắm. Sau một thời gian, ai cũng thấy dùng cuốc chỉa thì công dặm lúa nhanh hơn mà lại không mỏi lưng do khom theo cách làm truyền thống. Giờ nhà nào làm ruộng ít thì có 1 cái, nhiều thì vài ba cái để dùng khi vào mùa. Người ta thậm chí không còn mua ở chợ mà đặt hàng cho thợ rèn làm để có một cái cuốc chỉa chất lượng, phù hợp hơn khi họ làm việc”.

 

Khi sử dụng công cụ này, người nông dân có thể đứng thẳng để cuốc lúa ở những chỗ dày dặm vào chỗ thưa. Do đặc điểm cán cuốc dài nên người dặm ít di chuyển, chỉ cần đứng một chỗ di chuyển cuốc đến nơi cần rồi “bốc” lúa đưa đến chỗ dặm lúa. Theo nhiều nông dân, dùng cuốc dặm lúa vừa tăng năng suất, rút ngắn thời gian, giảm hao phí lao động, giảm mệt mỏi, đặc biệt là trai, gái, người già, người trẻ đều sử dụng một cách dễ dàng. Vì vậy, ngày trước phần lớn chỉ có phụ nữ làm công việc dặm lúa, bây giờ có “anh bạn cuốc chỉa”, đàn ông, thanh niên cũng vác cuốc ra đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Thường - một nông dân, chia sẻ: “Công việc dặm lúa rất nhọc, đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn nên hầu hết thợ cấy dặm là phụ nữ. Giờ có cuốc chỉa dặm lúa, ai cũng làm được, giải phóng sức lao động cho người phụ nữ rất lớn”.

 

Cũng theo những nông dân, hiệu quả mà cuốc chỉa dặm lúa mang lại gấp từ 3 đến 5 lần so với cách cấy dặm truyền thống. Đặc biệt đối với ruộng sạ theo hàng, việc cấy dặm bằng công cụ này càng nhanh hơn do bà con chỉ việc đi theo hàng và cuốc bớt cây lúa ở những hàng dày lấp vào những hàng có chỗ trống. Ngày trước, việc dặm ruộng kéo dài cả tháng, nay nhờ cuốc dặm thời gian chỉ còn một tuần, thậm chí nhanh hơn với những người làm thuần thục.

 

Ngoài việc tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho người nông dân, cuốc dặm lúa còn giúp mạ không bị tổn thương, rễ mạ hầu như còn nguyên nên cây mạ không mất sức, phục hồi nhanh chóng theo kịp sự sinh trưởng của lúa trong ruộng. So với việc nhổ mạ lên, mang đến cấy vào khu đất khác, cây lúa sẽ cần thời gian phục hồi lâu hơn nên quá trình sinh trưởng sẽ chậm hơn.

 

Công việc dặm lúa khó có thể cơ giới hóa nên cây cuốc dặm lúa trở thành “bạn” thân thiết của bà con nông dân, không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek