Ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) có một tiệm may rất đặc biệt. Ở đó, chủ tiệm là một phụ nữ khuyết tật và những người cùng may với chị đều đồng cảnh ngộ. Những phụ nữ cơ thể không vẹn toàn này đã dìu nhau vượt qua những cản ngại trong cuộc sống để mưu sinh, hòa nhập cộng đồng.
Chị Mộng (ngồi may bên phải) giúp các chị đồng cảnh ngộ có công ăn việc làm - Ảnh: V.HOÀNG
NGHỀ CHỌN NGƯỜI
Cơn sốt bại liệt năm 3 tuổi làm chị Phạm Thị Cẩm Mộng bị teo cơ chân phải, dẫn đến đi đứng rất yếu. Tuy gia cảnh khó khăn, con đông nhưng bố mẹ Mộng vẫn chịu khó mỗi ngày đưa con đến trường mong con có được cái chữ với bạn bè. Ham học, Mộng không bỏ cuộc, đã vất vả theo học và tốt nghiệp cấp 3. Giai đoạn khó khăn nhất của cô gái khuyết tật là chọn nghề phù hợp cho bản thân. Chị Mộng nói: “Ước mơ thì nhiều lắm, nhưng những người như tôi đâu dễ thực hiện được những điều mình thích. Vậy là qua tư vấn của một số người, tôi quyết định đi học may, coi như nghề chọn tôi vậy. Tôi nghĩ rằng, đã học thì phải tâm huyết với nghề mới mong làm tốt được”.
20 tuổi, mỗi ngày chị Mộng đạp xe xuống TP Tuy Hòa để học may. Sau 2 năm thành thạo các công đoạn, chị tự tin ra nghề. Có lẽ vì nhà ở trong hẻm nhỏ nên tiệm may của chị ít ai biết đến, dẫn đến ít khách, chủ yếu phục vụ cho gia đình và hàng xóm. Đổ nản, chị Mộng theo em trai vô TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng việc cắt may cho một số cửa hàng. Được một thời gian, khi mẹ bệnh nặng, chị quay về quê nhà để tiện chăm sóc mẹ già.
Lúc ở TP Hồ Chí Minh, chị Mộng cũng đã nhanh nhạy tham khảo, nắm bắt được nhiều ý tưởng hay trong làm nghề. Bởi vậy, quyết tâm làm lại từ đầu của chị có phần táo bạo hơn. Năm 2008, chị thuê một căn nhà nhỏ sát mặt đường để mở tiệm. Với sự sáng tạo lại chịu khó phục vụ khách hàng, tiệm may của chị Mộng ngày càng đông khách. Khách hàng đều tỏ ra ưng ý khi được chị phục vụ.
DÌU NHAU VÀO ĐỜI
Làm nghề thành công, chị Mộng liền nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ. Biết một số chị cũng học may nhưng chưa thể mưu sinh bằng nghề như mình, chị gọi họ về cùng làm. Vậy là tiệm may không tên tuổi này trở nên đặc biệt.
Sự thầm lặng của các chị là một minh chứng cho những nỗ lực bản thân. Ngày ngày, chị Mộng nhận vải, cắt rồi giao các chị khác ráp theo kiểu làm công ăn theo sản phẩm. Cùng với đó, chị Mộng còn hướng dẫn thêm cho các chị cách cắt quần áo kiểu thời trang và những phần việc khó mong mọi người cùng tiến bộ. Chị Nguyễn Thị Thái, 38 tuổi và còn sống độc thân như chị Mộng, mỗi ngày đều cần mẫn đi bộ từ thôn Định Thành (Hòa Định Đông) đến tiệm may đặc biệt này. Chị Thái thổ lộ: “3 năm được làm chung với Mộng, tôi thấy có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Vừa kiếm thêm thu nhập, chúng tôi vừa chia sẻ hoàn cảnh với nhau. Mỗi ngày, sau khi ăn trưa cùng Mộng, tôi còn có được 50.000 đồng tiền công. Điều đặc biệt là các chị em không còn thấy mặc cảm với sự khiếm khuyết của mình”.
Tiệm may chị Mộng rất đắt khách. Không chỉ ở Hòa Thắng mà khách hàng ở Hòa Định Đông, Hòa An, kể cả TP Tuy Hòa cũng đến đây để may những bộ đồ ưng ý mà giá rẻ. Những chiếc đầm, váy, quần áo học sinh và các loại áo kiểu khác ở mọi lứa tuổi đều thật sắc sảo dưới bàn tay tỉ mẫn của các chị. Chị Mộng bảo: “Những dịp tết hay trước mùa khai giảng, chúng tôi thức trắng đêm. Chị Thái phải ở đêm tại tiệm để cùng làm. Một số chị không khuyết tật nhưng không có khách hàng cũng tới đây nhận vải về may”. Bà Võ Thị Sự (ở Hòa Định Đông) nói: “Tôi là khách hàng lâu năm của tiệm này. Đi may nhiều nơi, nhưng may ở đây tôi ưng ý nhất và cũng để ủng hộ các chị em khuyết tật”.
Năm 2010, chị Mộng được vay 4 triệu đồng từ Quỹ Người khuyết tật xã Hòa Thắng để mua thêm máy may. Hiện tiệm may của chị có cả máy vắt sổ, máy may công nghiệp và may dân dụng. Song, chưa dừng lại ở đó, chị Mộng còn muốn bán vải tại chỗ để tiện phục vụ khách hàng và mở rộng cơ sở để nhận thêm những người đồng cảnh ngộ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, chị đang liên hệ với Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng giúp chị vay một khoản tiền lớn hơn từ chương trình Phát triển toàn diện người khuyết tật do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ để thực hiện ước muốn này.
VŨ HOÀNG