* Áp thấp nhiệt đới gần quần đảo Trường Sa
* Kêu gọi tàu thuyền di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới
Lúc 13g ngày 11/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ vĩ Bắc; 124,8 độ kinh Đông, cách đảo Lu - dông (Philippines) khoảng 350km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km/g), giật cấp 16, cấp 17.
Hướng di chuyển của bão Utor.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây - tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 đến 25km. Đến 13g ngày 12/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ Bắc; 120,7 độ kinh Đông, trên khu vực phía tây đảo Lu - dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km/g), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 đến 25km. Đến 13g ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ vĩ Bắc; 115,8 độ kinh Đông, trên khu vực phía đông bắc biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km/g), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây - tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông bắc biển Đông từ sáng 12/8 gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
* Ngoài ra, tâm áp thấp nhiệt đới lúc 13g ngày 11/8 ở vào khoảng 12,6 độ vĩ Bắc; 113,5 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 150km về phía bắc - tây bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/g), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 đến 10km. Đến 13g ngày 12/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ vĩ Bắc; 112,3 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 310km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/g), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Vùng biển tỉnh Phú Yên, trong 24 giờ tới nhiều mây, có mưa rào rải rác tầm nhìn xa từ 4 đến 10km. Gió Tây nam cấp 4, cấp 5, có lúc giật trên cấp 6, biển động.
* Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đến ngày 11/8, có 251 tàu cá Phú Yên với 1.554 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 71 phương tiện/549 lao động hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa; 180 phương tiện/1.005 lao động hoạt động ở các vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Tất cả các phương tiện trên đều nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới và bão Utor; thường xuyên liên lạc về gia đình và BĐBP.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị và phối hợp với gia đình chủ phương tiện cùng chính quyền các xã, phường ven biển thông báo đến từng thuyền trưởng biết về diễn biến, tình hình, vị trí, hướng đi của áp thấp nhiệt đới, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời duy trìnghiêm chế độ trực, duy trìlực lượng 120 cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, xử lý khi có tình huống xảy ra.
TTDBKTTVPY, VĂN LANG