Việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nghị định quy định cụ thể về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình; quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình cũng như trình tự, thủ tục của việc giải trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình.
Theo đó, cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình phải thông qua người đại diện hợp pháp.
Bên cạnh đó, nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình; nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu.
2 hình thức yêu cầu giải trình
Theo Nghị định, yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình.
Yêu cầu giải trình được tiếp nhận và vào sổ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo cho người yêu cầu về việc tiếp nhận hoặc từ chối và nêu rõ lý do.
Trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì hướng dẫn người yêu cầu gửi đến đúng cơ quan có trách nhiệm giải trình. Trường hợp nội dung yêu cầu đã được giải trình nhưng có người khác yêu cầu giải trình thì cung cấp bản sao văn bản đã giải trình cho người đó.
Thời hạn giải trình không quá 15 ngày
Nghị định nêu rõ, đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản thực hiện việc giải trình.
Đối với những yêu cầu giải trình khác, người giải trình phải nghiên cứu nội dung yêu cầu giải trình; thu thập, xác minh thông tin có liên quan; làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết.
Sau đó, ban hành văn bản giải trình và gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình. Trong trường hợp cần thiết thì công bố công khai văn bản giải trình theo quy định của pháp luật.
Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình. Trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải trình. Thời gian gia hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày gia hạn và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình.
Theo nghị định, người giải trình không có trách nhiệm giải trình đối với các nội dung: Nội dung thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; những nội dung liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; nội dung thông tin thuộc bí mật đời tư; nội dung thông tin thuộc bí mật kinh doanh; các nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/9/2013.
Theo chinhphu.vn