Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ tài chính, ngăn chặn hiện tượng bóc lột lao động trẻ em, nhưng tình trạng sử dụng lao động trẻ em giảm không đáng kể.
Em N.T.M, 12 tuổi ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) đi bán vé số để kiếm sống - Ảnh: K.CHI
NHIỀU TRẺ LAO ĐỘNG SỚM
5g sáng, em Nguyễn Viết Nhân (thị trấn Phú Hòa, Phú Hòa) đã lọ mọ dậy sửa soạn theo xe xuống TP Tuy Hòa phụ bưng bê, rửa chén bát cho hàng quán để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới. Thân hình gầy gò, đen nhẻm, không ai nghĩ hết hè em sẽ vào lớp 7. Nhân nói: “Nhà em nghèo lắm, chỉ có vài sào ruộng nhưng mẹ phải nuôi đến 5 anh em ăn học. Chính vì vậy, hè nào em cũng tranh thủ làm thêm để có tiền phụ mẹ. Mấy năm trước, em phụ khuân vác gạch, ngói tại các lò gạch, rồi bán vé số, nay có được công việc này, mỗi tháng chủ trả cho em hơn 500.000 đồng, lại cho ăn mỗi ngày 2 buổi, nên em phải cố gắng”.
Dạo quanh một vòng TP Tuy Hòa, không khó để bắt gặp trẻ em tham gia bán vé số. Em Trần Thị Bích Vân, 13 tuổi (xã An Chấn, huyện Tuy An) cầm xấp vé số trên tay mà ngại, không dám mời khách. Tôi bắt chuyện một hồi lâu, em mới chia sẻ: “Em học lớp 5. Nhà nghèo, phần lớn thời gian em phải đi làm kiếm tiền trang trải cho bản thân và phụ gia đình nên có năm học yếu phải ở lại lớp. Hè này, em theo mấy anh chị ở gần nhà vô đây bán vé số, có tiền mua sách vở tiếp tục đến trường, còn không thì…”. Em bỏ dở câu nói.
Đó là hai trong rất nhiều trẻ em đang phải sớm vào cuộc mưu sinh. Ông Nguyễn Bá Trắc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Trẻ em dưới 16 tuổi lao động sớm có nhiều nhóm. Có nhóm trẻ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi các em có thể phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và các thiết bị không an toàn. Số khác là trẻ em lang thang bán rong hoặc chạy việc vặt kiếm sống. Một số trẻ giúp việc tại các gia đình hoặc làm tại các nhà máy. Các em không có cơ hội tiếp cận một nền giáo dục đầy đủ hoặc có cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo số liệu thống kê, tổng số trẻ em thuộc nhóm trẻ lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh năm 2005 có 1.050 em, đến nay lên đến gần 1.500 em. “Các năm qua, sự tác động của nhiều chương trình dự án can thiệp nhưng theo thống kê thì đối tượng trên chưa giảm mà còn tăng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trong thập niên qua Phú Yên phải gánh chịu liên tiếp nhiều trận thiên tai, bão lụt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều gia đình” ông Trắc nói.
ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG TRẺ EM LAO ĐỘNG SỚM
Việc cho trẻ đi làm sớm không những vi phạm quyền trẻ em mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như có thể bị ngược đãi, xâm hại… Vì vậy, giảm thiểu số trẻ em đi làm sớm là việc cấp thiết nhưng không dễ bởi ở đây có cả nhu cầu thuê người làm việc là trẻ em lẫn nhu cầu được đi làm kiếm tiền của không ít trẻ em và gia đình ở nông thôn. Tại hội thi tìm hiểu quyền trẻ em vừa được Ban chỉ đạo hè TP Tuy Hòa tổ chức, nhiều câu chuyện trẻ em lao động sớm, bị ngược đãi được học sinh các trường THCS sân khấu hóa thông qua các tiểu phẩm mang ý nghĩa sâu sắc. Chính bản thân các em cũng thấu hiểu được hoàn cảnh không may mắn của các bạn đồng trang lứa vì nhà khó khăn nên phải mưu sinh kiếm sống quá sớm. Em Nguyễn Thị Yến Nhi, lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh (phường 7, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Hằng ngày em gặp rất nhiều bạn phải đi làm thuê, làm mướn, bỏ học để kiếm tiền. Em mong muốn mọi người hãy tạo điều kiện để trẻ em có cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười chứ không phải bương chải, lao động sớm, nghỉ học sớm”.
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ em lao động sớm, lang thang kiếm sống, theo chương trình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn từ nay đến 2015 của tỉnh có mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm. Theo đó, các ngành, các cấp của tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, tham vấn tại gia đình để vận động trẻ em lang thang hồi gia; tổ chức trợ giúp trẻ em có đời sống khó khăn, trợ giúp trẻ em hồi gia, giúp các em tiếp cận giáo dục nếu bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học, trợ giúp các dịch vụ y tế khi cần thiết; tổ chức các lớp hướng nghiệp, dạy nghề và trợ giúp các em tự tạo việc làm khi đến tuổi lao động và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác dành cho đối tượng trẻ em nêu trên; triển khai các hoạt động phục hồi tâm lý và thể chất cho trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cùng với đó, các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội, đoàn thể hỗ trợ gia đình có trẻ em phải lao động sớm vay vốn sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống.
KIM CHI