Năm 2013, nguồn kinh phí Trung ương phân bổ 1 tỉ đồng để tỉnh hỗ trợ đưa người lao động nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài (XKLĐ). Tuy nhiên, đã bước sang nửa cuối năm 2013, việc đưa người lao động thuộc các diện trên đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế.
Người lao động tham gia hội chợ tìm việc làm nhưng còn ngại đăng ký xuất khẩu lao động - Ảnh: K.CHI
NHỮNG KHÓ KHĂN
Số người nghèo đi XKLĐ trong tỉnh những năm gần đây rất hạn chế, chưa đến 100 người/năm. Cuối năm 2012, ngay khi có hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ XKLĐ theo hợp đồng, tỉnh đã bắt tay thực hiện. Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Việc làm - Xuất khẩu lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, số lượng người muốn XKLĐ theo chương trình XKLĐ rất ít. Năm 2012, toàn tỉnh tuy có 324 người XKLĐ, trong đó lao động đi theo chương trình XKLĐ là 94 người (chủ yếu là đi Hàn Quốc, Malaysia) và đi theo diện tự liên hệ là 229 người (chủ yếu là đi Campuchia, Lào, Nga). Ông Soa lo lắng, năm 2013, tỉnh được khoán hơn 1 tỉ đồng để đưa khoảng 300 đến 500 người nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng đã rõ nhưng tiêu chuẩn (độ tuổi, thể hình) thế nào, cần được cụ thể, vì không phải ai cũng đáp ứng điều kiện tham gia XKLĐ. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay chỉ mới có 20 người tham gia chương trình. Theo ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), hạn chế về sức khỏe, trình độ, sự bền chí, phong cách làm việc công nghiệp, tâm lý ngại xa nhà… là những yếu tố khó khăn của người lao động nghèo, thân nhân người có công và dân tộc thiểu số. Như vậy, để ổn định lực lượng tham gia XKLĐ cần một quy trình làm việc khoa học, hiệu quả để không lãng phí; chú trọng sàng lọc, đào tạo kỹ nhằm đảm bảo đưa người phù hợp đi XKLĐ. Trong quá trình đào tạo, cần rèn cho người lao động có kỹ năng và thái độ nghiêm túc với công việc.
LO THỊ TRƯỜNG BẤP BÊNH
Triển khai Dự án Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động về các chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ. Theo Sở LĐ-TB-XH, kinh phí hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động được chi trả thông qua hợp đồng giữa Sở LĐ-TB-XH với doanh nghiệp XKLĐ. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, Sở LĐ-TB-XH và doanh nghiệp thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí. Các chi phí hỗ trợ khác cho người lao động thanh toán theo thực tế hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, thị trường bấp bênh, thu nhập thấp nên người lao động không mặn mà đăng ký tham gia.
Ông Soa cho biết: Nguồn kinh phí của Trung ương phân bổ cho dự án nhiều, tuy nhiên theo quy định giới hạn đối tượng thụ hưởng (dân tộc thiểu số, thân nhân chủ yếu là gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo) và mức hỗ trợ thấp (tối đa 3,5 triệu đồng/người) do đó, số lượng lao động tham gia không nhiều. Riêng hỗ trợ đối với đối tượng cận nghèo hiện chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH nên chưa có cơ sở triển khai.
Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Người lao động trong tỉnh chưa tích cực tìm việc làm, ngại đi xa, còn trông chờ ỷ lại gia đình, chưa mạnh dạn tham gia đi XKLĐ. Chúng tôi lo nhất là thị trường bấp bênh; rất cần thị trường ổn định, có đơn hàng tốt để hạn chế rủi ro cho người lao động. Sở đang phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi XKLĐ theo Quyết định số 470 của Bộ LĐ-TB-XH.
KIM CHI