Qua 5 năm triển khai, Luật Bình đẳng giới (BĐG) bước đầu mang lại hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và lồng ghép giới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Phụ nữ TP Tuy Hòa tìm hiểu về luật Bình đẳng giới - Ảnh: T.THẢO
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, KỊP THỜI
Để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật BĐG, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện pháp luật về BĐG; Nghị định số 70 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này; ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh giai đoạn 2006-2010. Trên cơ sở của kế hoạch này, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh có văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp, địa phương tổng kết đánh giá tình hình hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2006-2010. Nhìn chung các mục tiêu, chỉ tiêu do các ngành liên quan thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch.
Từ năm 2010 đến nay, Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Theo đó, bộ máy tổ chức và hoạt động về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp được hình thành. Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH có một cán bộ chuyên trách; các sở, ngành khác phân công cán bộ làm công tác nữ công kiêm nhiệm; cấp huyện bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em kiêm nhiệm; cấp xã cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em hoặc cán bộ phụ nữ hoạt động kiêm nhiệm.
Bên cạnh việc triển khai kịp thời công tác BĐG, công tác bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cũng đảm bảo cho thi hành luật. Năm 2008, kinh phí sử dụng cho hoạt động BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh được ngân sách cấp 70 triệu đồng; giai đoạn 2009-2011, mỗi năm 100 triệu đồng. Riêng năm 2012, kinh phí BĐG thực hiện Chương trình quốc gia được Trung ương cấp 490 triệu đồng, ngân sách tỉnh 120 triệu đồng. Cấp huyện, thành phố từ 5 đến 10 triệu đồng; cấp xã, phường, thị trấn chưa bố trí được kinh phí nên chủ yếu hoạt động lồng ghép. Để luật đi vào cuộc sống, công tác tổ chức, chỉ đạo phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giới và chính sách pháp luật về BĐG được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước nâng cao nhận thức trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Qua đó, các sở, ngành, hội đoàn thể và địa phương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ bao gồm: Phát hành tờ rơi, tờ gấp về Luật BĐG, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 35.000 tờ; 2.000 sách hỏi đáp Luật BĐG; lồng ghép tuyên truyền Luật BĐG, phòng chống bạo lực gia đình 1.969 buổi với 122.000 lượt người tham dự; tổ chức 67 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BĐG trong cán bộ, hội viên, đoàn viên với 3.866 lượt người tham dự; phát động Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về BĐG do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức trên toàn tỉnh với 9.117 bài dự thi. Đồng thời, phối hợp với Báo Phú Yên và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang mục BĐG. Hàng năm đều phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên làm phóng sự, tọa đàm trực tiếp các nội dung liên quan đến công tác phụ nữ, BĐG, gương điển hình tiên tiến...
CẦN SỰ CHUNG TAY NHIỀU HƠN NỮA
Luật BĐG ngày càng được chú trọng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND, nữ quản lý, nữ lãnh đạo; Sở GD-ĐT tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cán bộ quản lý ngành giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền lồng ghép các chính sách, pháp luật về giới trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn, khu phố; Sở LĐ-TB-XH triển khai, lồng ghép giới trong lĩnh vực dạy nghề, lao động việc làm; Sở Y tế triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông dân số, nhằm giúp chị em nhận thức tốt về CSSKSS-KHHGĐ, cải thiện tình trạng sức khỏe, duy trì mức sinh thấp, hợp lý góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sở Tư pháp, tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động, nhằm giúp người nghèo, gia đình chính sách phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm kiến thức pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhiều hội thi như “Cán bộ nữ công giỏi”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật lao động nữ”… Về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội 16,66%; HĐND cấp tỉnh 30%, thành phố 23,88%, cấp xã, phường 19,27%.
Cùng với việc củng cố tổ chức là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác BĐG các cấp, ít nhất 2 lớp/năm. Đồng thời, lồng ghép vấn đề BĐG vào việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, địa phương nhằm nâng trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, người lao động và nhân dân nói chung về việc thực hiện BĐG trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội bước đầu được khắc phục. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy BĐG như nhận thức chưa cao của một bộ phận cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân; phụ nữ chưa tự phấn đấu vươn lên mà còn tự ti an phận.
Trong thời gian đến, đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần cụ thể hóa bằng văn bản để thực hiện các chính sách ưu đãi cho lao động nữ và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về bộ máy cán bộ làm công tác BĐG tỉnh, thành phố; tăng cường biên chế cho cấp huyện và cấp xã để đủ sức đảm đương hoạt động BĐG. Đồng thời, Trung ương hỗ trợ nhiều hơn trong công tác đào tạo cán bộ làm công tác BĐG, nhất là kỹ năng lồng ghép giới vào việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của ngành, địa phương.
NGUYỄN VĂN LÃNG
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên