Hiện nay, trên địa bàn các xã của huyện Sông Hinh đều có trồng cây cao su với diện tích toàn huyện là 2.800ha và dự kiến đến năm 2015 đạt ít nhất 5.000ha. Trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của huyện giai đoạn 2013-2015, cây cao su được đưa vào dự án để hỗ trợ mô hình giảm nghèo cho bà con ở các xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Trol và Đức Bình Tây.
Vợ chồng Mí Rố chăm sóc vườn cây cao su - Ảnh: K.CHI
NIỀM VUI VỚI CÂY CAO SU
Năm 2012, mô hình trồng cây cao su giảm nghèo được huyện Sông Hinh triển khai cho 60 hộ nghèo ở 2 xã Ea Bia và Ea Bá với kinh phí 300 triệu đồng/xã, mỗi hộ trồng 1ha với khoảng 600 cây. Qua một năm triển khai, cây cao su phát triển tốt, nên năm 2013, huyện Sông Hinh tiếp tục triển khai mô hình này ở 2 xã Ea Trol và Đức Bình Tây. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Đặng Đình Toại cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo, huyện triển khai mô hình giảm nghèo bền vững bằng cách hỗ trợ trồng cây cao su cho các hộ nghèo có mã số, có ý thức tự vươn lên, có điều kiện sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật và phối hợp Ban Dân tộc huyện hỗ trợ phân bón. Dự án triển khai từ 6 đến 8 năm, trong 3 năm đầu, các hộ sẽ trồng xen canh cây cao su với cây nông nghiệp ngắn ngày như: bắp, mè, đậu phộng, dưa hấu, sắn…
Với 600 cây giống do dự án cung cấp, gia đình Mí Rố (xã Ea Bia) còn vay tiền mua thêm 200 cây cao su giống để trồng trên rẫy của mình. Mí Rố nói: “Gia đình tôi có trên 2ha diện tích đất, nhưng do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên thu nhập rất thấp. Vừa qua, được Phòng LĐ-TB-XH huyện hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, phân bón và gia đình đã trồng được 1ha cao su. Chỉ qua mấy tháng mà cây cao su đã phát triển nhanh, hy vọng thời gian tới cây cao su sẽ đem lại lợi nhuận cho gia đình”.Còn gia đình Ma Quan ở buôn Keng, xã Ea Bá cũng phấn khởi khi cây cao su mới trồng trước tết đã cao hơn đầu người. Ma Quan cho biết: “Nhà tôi nghèo, đất đai thì có nhiều nhưng tiền vốn không có, kỹ thuật trồng trọt thì lâu nay quen làm theo kiểu “biết gì làm đó” nên sản xuất không đạt hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Nhà 6 người nhưng chỉ có 2 lao động chính nên làm không đủ ăn. Nay huyện hỗ trợ 600 cây cao su giống, rồi hướng dẫn cách trồng trọt, hỗ trợ phân bón nên chúng tôi ra sức chăm bón. Chúng tôi xen canh thêm cây sắn, trồng như vậy hy vọng năm nào cũng có cái thu nhập, đến khi cây cao su lớn thì có thu nhập kha khá hơn.
MỞ HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Ông Phan Văn Ân, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh khẳng định, khi kiểm tra để tiếp tục triển khai mô hình này ở 2 xã Ea Trol và Đức Bình Tây, cho thấy nhiều hộ nghèo trên địa bàn 2 xã có diện tích đất đủ điều kiện trồng cây công nghiệp dài ngày, có lao động đủ khả năng để tổ chức sản xuất, nay được đầu tư hỗ trợ ban đầu để trồng cây cao su, họ rất phấn khởi và có ý thức vươn lên trong cuộc sống.
Ông K’sor Y Tôn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bá cho biết: Là xã miền núi với 397 hộ, trong đó 245 hộ nghèo nên việc triển khai mô hình trồng cây cao su hy vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nghèo, đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Khi có cây cao su, bà con lo làm, không còn phá rừng nữa. Được các cán bộ kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, bà con đã có sự thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón và hóa chất trong nông nghiệp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo huyện Sông Hinh, điều đáng ghi nhận trước tiên về triển khai mô hình trồng cây cao su là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhiệt tình hưởng ứng và làm theo. Cùng với các nguồn lực khác, dự án này sẽ góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng địa phương.
KIM CHI