Thứ Bảy, 05/10/2024 18:14 CH
Niềm đam mê của một gia đình
Thứ Sáu, 12/07/2013 14:00 CH

Những năm 1971-1972, ông Nguyễn Văn Ái (SN 1953 ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) trót mê nghề đóng giày nên vào Nha Trang học việc. Vài mươi năm sau, những người con của ông lớn lên và được cha truyền cho niềm đam mê ấy. Đến nay, cả gia đình ông Ái đều thuần thục công việc và gắn bó với nghề.

 

giay130712.jpg

Góc nhỏ nơi ông Nguyễn Văn Ái làm việc - Ảnh: T.HÀ

LÀM ĐẸP CHO CUỘC SỐNG

 

Khi bắt đầu học việc, ông Ái chỉ nghĩ đơn giản một điều: cuộc sống có bao nhiêu thứ người ta cần; có cái cần ít, có cái cần nhiều nhưng đôi giày, đôi dép thì nhất thiết ai cũng phải có. Vì vậy mà người thợ giày luôn có việc. Mặt khác, ông Ái xem giày dép như là một tác phẩm nghệ thuật nên khi làm ra một đôi giày đẹp nghĩa là đã góp phần làm cho cuộc sống phong phú hơn. Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông Ái bước vào nghề, sống với nghề, và truyền niềm đam mê ấy vào các con.

 

Ông chia sẻ: “Hồi nhỏ đi học qua những tiệm giày, tôi thấy công việc làm giày hay quá. Những người thợ thì khéo tay và làm ra rất nhiều sản phẩm đẹp. Vậy là tôi xin cha mẹ nghỉ học để đi học nghề. Lúc này, ở TP Tuy Hòa chưa có nhiều tiệm giày nên tôi xin cha mẹ vào Nha Trang học nghề và nghĩ khi học việc xong sẽ về mở tiệm cho riêng mình. Với suy nghĩ đó nên tôi đã học nghề rất chăm chỉ. Hơn một năm sau tôi ra nghề”.

 

Tuy nhiên khi về Tuy Hòa, do không có vốn để lập tiệm riêng nên ông Ái làm công cho các hiệu giày lớn ở địa phương. Rồi ông Ái lập gia đình, sinh con. Ông có tất cả 6 người con, 5 người con trai, một người con gái. Các con lớn lên, thấy cảnh nhà vất vả nên đã sớm làm quen với công việc của cha. Mỗi khi nhận hàng về gia công, ông Ái làm không xuể nên các con chung tay giúp cha. Đứa bé thì dán keo, tra nút cho giày dép; đứa lớn thì làm những công việc phức tạp hơn như làm quai, làm đế. Ông Ái chia sẻ: “Cũng may có nghề này nên cuộc sống gia đình tôi cũng tạm ổn, các con có cái ăn, cái mặc. Tuy vậy, ước mơ về một tiệm giày riêng của tôi vẫn chưa thực hiện được”.

 

Có thời điểm tích cóp được ít vốn, ông Ái cùng các con mở tiệm giày trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa). Nhưng do tiếng tăm ban đầu chưa có, khách hàng chưa biết nhiều và giá thuê mặt bằng cao nên cửa hàng hoạt động chỉ hơn 1 năm đã phải đóng cửa. Không thể cứ ngồi đợi khách, năm 2005, ông Ái để lại người con trai lớn trông coi nhà cửa rồi đưa gia đình vào TP Hồ Chí Minh làm thuê. Năm 2012, ông Ái về lại Tuy Hòa, tiếp quản gian hàng giày dép do người con trai lớn để lại.

 

TIẾP NỐI ĐAM MÊ

 

Là người con lớn trong gia đình nên Nguyễn Văn Mến được cha hướng dẫn làm giày dép khi tuổi còn nhỏ. Lớn lên, với mong muốn tiếp nối công việc của cha nên anh cần mẫn học việc và sớm trở thành người thợ lành nghề. Năm 2002, anh Mến mở xưởng làm giày dép tại thôn để bỏ mối cho các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong một thời gian dài, cơ sở của anh Mến hoạt động tốt nên được Phòng LĐ-TB-XH TP Tuy Hòa phối hợp dạy nghề cho các học viên là lao động trong thôn. Ngoài xưởng giày dép, anh Mến cũng có một gian hàng bán, sửa giày dép ở một góc phố TP Tuy Hòa. Năm 2012, do công việc làm ăn của xưởng khó khăn, anh Mến tạm dừng hoạt động ở xưởng để vào TP Hồ Chí Minh làm công cho các cơ sở sản xuất khác. Anh tâm sự: “Làm ở đâu cũng được, nhưng làm cho mình thì tốt hơn. Công việc làm giày dép là công việc tôi thạo nhất. Bỏ thì nhất định là không, chỉ tạm thời đi làm xa một thời gian rồi lại về. Tôi thích công việc này cũng giống như ngày xưa cha tôi mê nó vậy”.

 

Tất cả những người con khác của ông Ái cũng chọn công việc làm giày dép là nghề gắn bó với mình. Trong số đó, anh Nguyễn Văn Phước là người con trai được ông Ái đặt rất nhiều kỳ vọng. Xuất phát là một võ sĩ Taekwondo nhưng do chấn thương trong quá trình luyện tập đã khiến anh Phước không theo đuổi được ước mơ của mình. Anh Phước quay lại với nghề làm giày dép của gia đình và công việc này thu hút anh lúc nào không hay. Để phát triển nghề đóng giày của gia đình, anh Phước đi học hệ trung cấp ngành Quản trị kinh doanh tại Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức với mong muốn sau khi ra trường nắm vững những kiến thức quản lý để có thể mở một xưởng giày dép và điều hành xưởng hiệu quả. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học vừa làm nên anh không thể hoàn thành chương trình học và phải quay lại làm việc của người thợ. Anh Phước vừa làm, vừa tích lũy tiền, vừa tích lũy kinh nghiệm với mong muốn sẽ thực hiện mơ ước về một tiệm giày của cha.

 

Anh Phước chia sẻ: “Nghề làm giày dép đã gắn bó với anh em chúng tôi từ khi còn rất nhỏ. Đến khi lớn lên, ai cũng chọn nó làm công việc để sinh nhai. Tôi đến với nghề làm giày dép ban đầu cũng vì nghĩ đơn giản, thay vì bắt đầu đi học một nghề nào khác, tôi có thể làm công việc của gia đình. Nhưng sau đó, làm rồi mới thấy đây là một nghề thật sự cuốn hút và cần rất nhiều sự khéo léo. Để có thể thành công, mình phải làm tốt hơn những người khác. Cha tôi suốt đời mong muốn mở được một tiệm giày cho riêng mình. Anh tôi cũng đã rất cố gắng nhưng công việc vẫn chưa được mỹ mãn vì thiếu vốn. Thành ra, mọi thứ cứ được bắt đầu rồi sau đó bị thua lỗ nên không thể được duy trì lâu. Còn tôi, đang cố gắng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cũng như vốn liếng để làm nên một xưởng giày cho riêng mình, cũng là thực hiện mơ ước của cha. Tôi nghĩ mình sẽ làm được điều đó”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek